Ngày 20/4, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam khẳng định sẽ duy trì việc công bố định kỳ một năm hai lần chính sách ngoại hối của nước này, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng sự thay đổi chính sách của Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (cũng là Ngân hàng Trung ương-MAS) vào tháng Giêng vừa qua đánh dấu một sự thay đổi cơ bản trong việc chính phủ quản lý nền kinh tế.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi nhiều nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế cho rằng họ đã rơi vào thế bị động khi MAS có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối tháng 1/2015. Mặt khác, trong khi nhiều người trông đợi một sự thay đổi quyết định thì tuần trước, MAS lại công bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách này.
Vì vậy, một số nhà phân tích cho rằng chính phủ sẽ tăng tần suất báo cáo chính sách tiền tệ - hiện được công bố vào tháng Tư và tháng Mười - do triển vọng kinh tế vĩ mô bất ổn hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Shanmugaratnam nhấn mạnh điều này không có nghĩa là chính sách ngoại hối của Singapore sẽ thay đổi một cách thường xuyên. MAS sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái như một công cụ chính sách tiền tệ thay vì sử dụng công cụ lãi suất như nhiều ngân hàng trung ương khác.
Vì vậy, tỷ giá sẽ được điều chỉnh trong một biên độ cho phép, tránh gây bất ổn thị trường hay nền kinh tế nói chung. Đây cũng chính là giải pháp cho trung hạn mà Singapore hướng tới.
Cũng theo ông Shanmugaratnam, cho đến nay, Singapore chỉ có hai lần công bố thay đổi chính sách ngoại hối ngoài chu kỳ thông thường hàng năm, đó là vào tháng Mười năm 2001, thời điểm bong bóng thị trường cổ phiếu bùng nổ và lần thứ hai là vào tháng Giêng năm nay, khi giá dầu thế giới sụt giảm mạnh./.