Singapore khẳng định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại-Công nghiệp Singapore khẳng định chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vừa-nhỏ đứng vững trong tương lai.

Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại và Công nghiệp Singapore Teo Ser Luck khẳng định chính phủ nước này cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành các biện pháp để đứng vững trong tương lai gồm cả hỗ trợ về đầu tư vào công nghệ, sáng kiến, nâng cao tay nghề cho nhân viên và hợp tác quốc tế.

Tại hội nghị về doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức tại Singapore ngày 8/10, Quốc vụ khanh Teo Ser Luck cho biết, trong kế hoạch ngân sách năm nay, chính phủ đã đưa ra một số chương trình chủ chốt để giúp các doanh nghiệp như Chương trình khuyến khích sáng tạo và tăng năng suất (PIC) và Chương trình thưởng cho sáng kiến hay và năng lực giỏi (ICV) để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và cải thiện năng suất lao động.

Chính phủ cũng đã thành lập mạng lưới các Trung tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn sự hỗ trợ của chính phủ dành cho doanh nghiệp và để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp đối với các cơ quan chính phủ.

Theo ông Teo, năm ngoái, các Trung tâm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trực tiếp làm việc với hơn 22.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khoảng 40.000 doanh nghiệp; trong đó gần 80% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đã được hưởng lợi từ chương trình PIC, tăng hơn 50% so với năm 2011.

Chính phủ cũng dành sự hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp để các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, nhờ đó, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục tăng. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, mỗi năm có khoảng 14.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập và năng suất lao động của khu vực này tăng bình quân 0,2%.

Trong khi đó, tại phiên họp của Quốc hội Singapore ngày 7/8 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Lim Hng Kiang nói rằng chương trình PIC đã giảm 1,5 tỷ SGD (tương đương 1,2 tỷ USD) tiền thuế cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các biện pháp tăng năng suất lao động như mua sắm thiết bị công nghệ và tự động hóa hiện đại, áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển…

Bộ trưởng Lim cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2013, năng suất của các ngành liên quan tới xuất khẩu đều tăng, như ngành cơ khí chính xác tăng 4,1%/năm; ngành cơ khí giao thông tăng 8,1%/năm và ngành tài chính-bảo hiểm tăng 2,2%/năm. Năng suất của một số ngành nội địa lại giảm, như ngành bán lẻ giảm 2,1%/năm và ngành ăn uống giảm 0,6%/năm.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp cũng cho biết, trong năm 2013, khoảng 17.000 công ty ngừng hoạt động và có thêm 37.000 công ty mới được thành lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục