Ngày 14/4, Singapore thông báo nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế trì trệ của nước này trong bối cảnh kinh tế Singapore dự báo tăng trưởng chậm trong năm nay và có nguy cơ suy thoái.
Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS), tức Ngân hàng Trung ương, đã thông báo các biện pháp nới lỏng tiền tệ do nhu cầu trên thế giới giảm nhất là từ Trung Quốc, thị trường chủ chốt của Singapore, và triển vọng tăng trưởng ảm đạm.
Theo MAS, cơ quan này đang chuyển sang chính sách trung lập, theo đó thiết lập tốc độ tăng biên độ tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa (NEER) của đồng đôla Singapore (SGD) ở mức 0%, trong khi chính sách trước đây của nước này là cho phép đồng tiền nội tệ tăng "vừa phải và dần dần."
Singapore sử dụng chính sách tiền tệ thay vì tỷ lệ lãi suất làm công cụ điều chỉnh nền kinh tế, quản lý tỷ giá đồng nội tệ so với giỏ tiền tệ của các đối tác thương mại cũng như các đối thủ cạnh tranh, để thúc đẩy kinh tế.
MAS lần đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ về mức 0% là vào tháng 10/2008 khi nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
MAS đã hai lần hạ giá đồng tiền nội tệ vào tháng 1 và 10/2015. Tuy nhiên, MAS khẳng định đây không phải là chính sách phá giá đồng nội tệ mà chỉ là loại bỏ đà tăng giá dần dần của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái.
Theo dự báo của Chính phủ Singapore, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 1,0-3,0% trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế khu vực tư nhân cho rằng kinh tế nước này sẽ chỉ tăng 1%, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 2%./.