Singapore sắp thông qua một đạo luật có thể buộc các trang web phải đăng đính chính bên cạnh những nội dung mà cơ quan chức năng xác định đó là tin sai lệch hoặc tin giả.
Đạo luật trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty truyền thông xã hội lớn như Facebook và Twitter ở nước này.
Theo dự thảo luật, được gọi là Dự luật Bảo vệ khỏi Sai lệch và Thao túng trực tuyến, Chính phủ Singapore có thể được quyền ban hành các lệnh buộc gỡ, xóa những nội dung sai lệch được đăng trên mạng Internet bởi các công ty truyền thông xã hội, tổ chức tin tức hoặc cá nhân.
[Mega Story] Tin giả - "đợt sóng thần" đe dọa thế giới hiện đại
Các trang web sẽ có quyền khiếu nại tư pháp về các yêu cầu sửa chữa hoặc gỡ nội dung của chính phủ, nhưng chỉ sau khi các lệnh đó được ban hành.
"Đạo luật này liên quan đến những tuyên bố sai sự thật," Bộ trưởng Bộ Luật pháp Singapore Shan Shanugam nói với các phóng viên vào sáng thứ Hai (1/4). "Nó không tác động đến các ý kiến. Nó cũng không tác động đến các quan điểm. Bạn có thể có bất kỳ quan điểm nào dù có lý hay không."
Dự luật đã được đệ trình ra trước Quốc hội Singapore vào tối 1/4 và có thể trở thành luật trong một hoặc hai tháng tới.
Các công ty công nghệ bên ngoài Singapore sẽ phải tuân thủ luật trên nếu nội dung của họ ảnh hưởng đến công chúng ở Singapore, Bộ trưởng Shanugam nói: "Tất nhiên một công ty công nghệ hoặc bất kỳ ai cũng có thể thách thức đạo luật này, và sau đó các tòa án sẽ phải quyết định." Tuy nhiên, ông Shanmugam cảnh báo sẽ có các biện pháp trừng phạt cho việc các công ty, tổ chức, cá nhân không tuân thủ luật.
"Các trang web vi phạm luật pháp ba lần trong sáu tháng có thể bị cắt 'khả năng thu lợi nhuận,'" theo thông cáo báo chí do Bộ Luật pháp Singapore ban hành vào tối 1/4.
Trong hầu hết các trường hợp, Bộ trưởng Shanmugam cho biết, luật sẽ không buộc loại bỏ hoàn toàn thông tin sai lệch. Thay vào đó, luật sẽ buộc các trang web đăng các đường liên kết đến "sự thật chính xác" bên cạnh nội dung "sai" của các trang web đó. Các đường liên kết "chính xác" đó có thể hướng người đọc đến các trang web của chính phủ hoặc các tổ chức, và tổ chức bên thứ ba mà chính phủ cho là hợp pháp.
Trong một tuyên bố cũng vào tối 1/4, Facebook cho biết họ chia sẻ "cam kết của chính phủ Singapore nhằm giảm sự lan truyền của những sự giả dối trực tuyến có chủ ý." "Trên thực tế, dự thảo luật đã phản ánh một số mảng đầu tư mà chúng tôi đã thực hiện để chống lại tin tức giả và phá vỡ các nỗ lực thao túng quyền phát ngôn dân sự."
Trước đó, vào thứ Bảy tuần trước, 30/3, giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết ông muốn các chính phủ đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý Internet. Giám đốc điều hành Facebook cho biết các quy định là cần thiết để bảo vệ xã hội khỏi nội dung độc hại, đảm bảo tính toàn vẹn của các cuộc bầu cử, bảo vệ quyền riêng tư của mọi người và giúp mọi người có thể chuyển dữ liệu của họ từ dịch vụ này sang dịch vụ một cách an toàn./.