Tờ Korea Herald của Hàn Quốc mới đăng bài viết của giáo sư Hal Brands, thuộc Khoa Nghiên cứu quốc tế chuyên sâu của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), phân tích cách thức Singapore khéo léo xoay sở giữa cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Theo tác giả, đây chính là hình mẫu cho các quốc gia trong khu vực. Sau đây là nội dung bài viết:
Đây là thời điểm khó khăn với các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi bị "tên rơi đạn lạc" trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.
Tác giả nhắc đến một đồng minh lâu năm của Mỹ, Philippines, đang tái định vị giữa Washington và Bắc Kinh. Manila gần như không đơn độc trong việc cố gắng tự bảo vệ mình khi Mỹ và Trung Quốc đụng độ.
Singapore cũng đối mặt với một thách thức tương tự mà vấn đề đã được nêu trong cuộc phỏng vấn Thủ tướng Lý Hiển Long tuần trước.
Những lời bình luận của ông nêu bật những vấn đề nan giải mà các quốc gia yếu hơn phải đối mặt và chỉ ra một số việc Mỹ nên làm để thành công.
Đầu tiên dưới thời huyền thoại Lý Quang Diệu, và bây giờ dưới thời con trai cả của ông, Singapore đã thực hiện những hành động cân bằng khéo léo giữa Mỹ-Trung.
Nền kinh tế năng động Singapore đã được thúc đẩy bởi thương mại và đầu tư của Trung Quốc và dân số chủ yếu là người gốc Hoa.
[Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Singapore đến năm 2035]
Tuy nhiên, việc đến quá gần với một Trung Quốc hùng mạnh có thể gây nguy hiểm, vì vậy Chính phủ Singapore từ lâu đã coi Washington là một đối trọng quan trọng với sức mạnh của Bắc Kinh.
Khi sức mạnh đó tăng lên trong những thập kỷ gần đây, hợp tác an ninh Singapore-Mỹ cũng gia tăng theo. Các lực lượng vũ trang Singapore thường xuyên huấn luyện với quân đội Mỹ và tại Mỹ. Các tàu sân bay Mỹ thực hiện các chuyến thăm cảng của Singapore, một lời nhắc nhở rõ ràng rằng Washington rất quan tâm đến an ninh quốc gia của Singapore. Singapore vẫn chính thức trung lập; không giống Philippines, Singapore không có mối quan hệ theo hiệp ước với Mỹ.
Tuy nhiên, nếu Philippines là một đồng minh hoạt động như một đối tác, thì Singapore là một đối tác hoạt động như một đồng minh.
Hành động cân bằng của Singapore đã được nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington của ông Lý Hiển Long.
Dựa trên bài phát biểu mà nhà lãnh đạo này đưa ra hồi tháng Năm tại Đối thoại thường niên Shangri-La, ông Lý Hiển Long đã đưa ra một lời cảnh báo cả Mỹ và Trung Quốc.
Ông cho rằng xu hướng coi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một cuộc xung đột giữa hai hệ thống, gần như hai nền văn minh, là "rất đáng lo ngại."
Mỹ không nên ảo tưởng rằng áp lực có thể dẫn tới sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và cần lưu ý rằng một “cuộc ly hôn” về kinh tế và công nghệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ tạo ra một tình thế tuyệt vọng cho những người bạn của Mỹ có quan hệ với người Trung Quốc.
Nếu Mỹ khăng khăng các nước này phải lựa chọn đứng về phe nào, thì Mỹ có thể không thích những kết quả nhận được.
Đồng thời, ông Lý Hiển Long thừa nhận hành động của Trung Quốc đã trở nên khôn ngoan hơn, do tham vọng địa chính trị gia tăng và những khó khăn nội bộ ngày càng lớn.
Ông cũng lập luận rằng Trung Quốc không còn có thể hành động như một quốc gia đang phát triển mà phải chịu trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ hệ thống toàn cầu.
Để tránh một cuộc tranh chấp địa chính trị thảm khốc, Mỹ và Trung Quốc cần có nghệ thuật quản lý, sự kiên định và kiên trì.
Hiện tại, Trung Quốc rõ ràng sẽ không trở thành một nước có trách nhiệm trong một hệ thống do người Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, không nên bác bỏ những lời bình luận của ông Lý Hiển Long, bởi chúng làm sáng tỏ ba vấn đề quan trọng mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong việc tập hợp một liên minh quốc tế để chống lại sức mạnh của Trung Quốc.
Thứ nhất, một cuộc đối đầu lớn hơn với Trung Quốc sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Mỹ, song nó có thể tàn phá kinh tế của các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương do tất cả đều phụ thuộc nhiều vào Bắc Kinh về thương mại, tài chính và công nghệ.
Triển vọng về một “bức tường sắt” công nghệ hay kinh tế hạ xuống là đáng báo động đối với các quốc gia có lợi ích kinh tế kéo về một hướng trong khi lợi ích an ninh lại kéo các nước này về một hướng khác.
Chắc chắn là Mỹ có thể cạnh tranh thành công với Trung Quốc nếu bạn bè của Mỹ trở nên ít phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh.
Một số sự tách rời có chọn lọc khỏi nền kinh tế Trung Quốc là quan trọng. Tuy nhiên, cách duy nhất để khiến các quốc gia như Singapore giảm bớt sự phụ thuộc vào Bắc Kinh là tăng cường khả năng hội nhập kinh tế, tài chính và công nghệ trong liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Tuy nhiên, Mỹ hiện tại có vẻ như là một đối tác không chắc chắn.
Thứ hai, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của việc kết hợp những tuyên bố cứng rắn với chính sách không nhất quán của Mỹ.
Nhiều quốc gia trong khu vực đã âm thầm vui sướng khi chính quyền của Tổng thống Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc, song bây giờ lại lo ngại trước việc chính quyền Mỹ nói cạnh tranh tốt hơn là né tránh.
Ví dụ, Washington đã thôi thúc bạn bè ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các nơi khác tránh phụ thuộc vào công nghệ 5G của Trung Quốc, song những nỗ lực cung cấp giải pháp thay thế lại không được như mong đợi.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương đã bị đặt trong tình thế khó xử bởi nỗ lực bất ngờ của Mỹ nhằm làm tê liệt tập đoàn công nghệ Huawei và sau đó là dấu hiệu cho thấy Washington có thể nới lỏng lệnh trừng phạt gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Mỹ đã tăng ngân sách quốc phòng và hồi sinh nhóm Bộ Tứ (một cơ chế ngoại giao và an ninh gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ), song ông Trump cũng đưa ra các phát biểu chế giễu các cam kết liên minh của Mỹ ở một mức độ chưa từng thấy.
Một nước Mỹ với chính sách thiếu ổn định tạo ra thế khó cho một Singapore nhỏ bé, dễ gặp rủi ro và sẽ rất không hiệu quả trong việc giành được lòng trung thành lâu dài của các quốc gia ở “tiền tuyến.”
Cuối cùng, bài viết lưu ý rằng các thông điệp khác nhau của Mỹ sẽ thu hút các thành phần khác nhau trong liên minh chống Trung Quốc trong tương lai./.