Sinh vật biển chết hàng loạt ở bán đảo Kamchatka của Nga

Tình trạng ô nhiễm vùng bờ biển Thái Bình Dương ở bán đảo Kamchatka xa xôi của nước Nga đã dẫn tới hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt. Đây là cảnh báo mà các nhà khoa học Nga đưa ra ngày 6/10.
Sinh vật biển chết hàng loạt ở bán đảo Kamchatka.(Nguồn:polarjournal)

Tình trạng ô nhiễm vùng bờ biển Thái Bình Dương ở bán đảo Kamchatka xa xôi của nước Nga đã dẫn tới hiện tượng sinh vật biển chết hàng loạt. Đây là cảnh báo mà các nhà khoa học Nga đưa ra ngày 6/10.

Từ cuối tháng 9, người dân địa phương đã cảnh báo về tình trạng sinh vật biển như hải cẩu, bạch tuộc và nhím biển chết hàng loạt, xác dạt lên bờ. Nhiều khách du lịch lướt ván đã bị tổn thương giác mạc sau khi bơi ở vùng nước này.

Sau vụ rò rỉ dầu trên diện rộng ở Siberia, sự cố mới nhất đã khiến giới chức mở cuộc điều tra quy mô lớn với lo ngại rằng những vật chất độc hại trong một cơ sở lữu trữ dưới lòng đất có từ thời Xô Viết có thể đã rò rỉ ra nguồn nước. Một đội thợ lặn từ cơ quan bảo tồn thiên nhiên Nga đã phát hiện tình trạng sinh vật biển chết hàng loạt ở độ sâu từ 5-10 mét dưới mặt nước.

Theo chuyên gia Ivan Usatov, từ Viện bảo tồn Kronotsky, có tới 95% sinh vật biển ở tầng nước này đã chết. Trong cuộc họp với Thống đốc vùng Kamchatka Vladimir Solodov, nhà khoa học này cho biết chỉ còn lại một số lượng nhỏ cá lớn, tôm và cua sống sót. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) tại Nga cho biết chất gây ô nhiễm không phải dầu, mà là một chất trong suốt độc tính cao có thể dễ dàng hòa tan trong nước.

[Sri Lanka khống chế được đám cháy mới trên tàu MT New Diamond]

Bán đảo Kamchatka nổi tiếng với cảnh đẹp hùng vĩ và những núi lửa luôn tiềm ẩn nguy cơ thức giấc, và rất nhiều động vật hoang dã trong đó có cả loài gấu nâu. Cư dân ở đây cũng rất thưa thớt với chỉ 300.000 người sinh sống. Theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà chức trách đã tiến hành hàng loạt hoạt động để đánh giá sự cố trên. Các nhà khoa học cũng nỗ lực để tìm nguồn gây ô nhiễm, điều tra các giả thuyết trong đó có tác động tự nhiên từ một loại tảo biển siêu nhỏ nhưng cũng xem xét những nguyên nhân khác do con người gây ra.

Ngày 6/10, các chuyên gia đã lấy mẫu nước và dầu từ khu vực Kozelsky, vốn là địa điểm lưu trữ những chất độc hại dưới lòng đất từ thời Xô Viết.Thông đốc Solodov cho rằng câu trả lời rõ ràng nhất về nguồn gây ô nhiễm có thể là từ điểm lưu trữ chất hóa học độc hại ở Kozelsky sau khi các công tố viên, các nhà điều tra hình sự và đánh giá tài nguyên thiên nhiên tới hiện trường và xét nghiệm mẫu đất và nước ở dòng sông gần đó.

Địa điểm được sử dụng từ năm 1979 để lưu trữ thuốc trừ sâu và hiện không có chủ sở hữu hợp pháp. Ông Solodov cho biết các nhà điều tra đã phát hiện những đoạn hàng rào thép gai bị cắt và những dấu vết hư hại ở lớp bảo vệ bao ngoài địa điểm này. Theo chiến dịch Greenpeace Nga, các số liệu chính thức kho này chứa khoảng 180 tấn thuốc trừ sâu và chất hóa học độc hại nhưng không được bảo vệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục