Hè đến thường là dịp các bạn sinh viên ráo riết đi tìm việc làm thêm trong thời gian nghỉ học. Thế nhưng khác với những năm trước, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến không ít thanh niên, sinh viên bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm. Tìm việc làm thêm thời điểm này đối với thanh niên, sinh viên đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Kiên trì bám trụ kiếm việc làm
Dù trường đã cho học online từ ngày 4/5 nhưng cô bạn Nguyễn Minh Châu, sinh viên năm thứ hai Đại học Hà Nội vẫn kiên trì bám trụ lại thành phố để đi làm thêm tại một cửa hàng quà tặng và phụ kiện.
“Về quê lúc này chỉ quanh quẩn trong nhà nên mình ở lại thành phố. Tuy bố mẹ cũng lo lắng, gọi điện thoại liên tục muốn mình về nhà nhưng mình quyết định ở lại kiếm thêm một chút để trang trải cuộc sống. Bệnh dịch khiến thu nhập của bố mẹ ở quê cũng giảm, mình muốn đỡ đần gánh nặng cho gia đình,” Minh Châu chia sẻ.
Cũng giống như Châu, bạn Hoàng Minh Tuấn, sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh tế quốc dân cho biết cậu chủ động ở lại làm việc, kiếm thêm thu nhập để có thể tự mình chi trả một phần chi phí cuộc sống đắt đỏ tại thành phố, không muốn bị phụ thuộc nhiều quá vào bố mẹ.
“Hiện tại mình tranh thủ buổi sáng học online, buổi chiều làm thêm cả xe ôm công nghệ, giao hàng nhanh. Có hôm kết thúc công việc vào lúc 11 giờ đêm. Tuy khá tất bật nhưng cũng nhờ công việc này nên mình có được khoản thu nhập đáng kể, đủ tiền chi tiêu, ăn uống, xăng xe hàng ngày, còn có thể dành ra một khoản đóng học phí. Nếu tình hình dịch căng thẳng hơn, ít việc hơn thì mình cũng chưa biết xoay sở thế nào.” Tuấn tâm sự.
Do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, việc ra ngoài ăn uống mua sắm bị hạn chế. Lượng khách hàng giảm, thậm chí không có doanh thu khiến nhiều cửa hàng phải cắt giảm nhân viên, thậm chí là đóng cửa hẳn, kéo theo nhiều sinh viên mất việc làm, giảm lương.
Minh Châu chia sẻ thêm: “Bình thường trong một ca làm việc, cửa hàng có 7-8 nhân viên. Tuy nhiên do dịch bệnh, doanh thu giảm nhiều nên bọn mình phải chia ngày ra để làm, hiện tại thì chỉ lác đác 3-4 nhân viên thôi. Giảm số ca làm việc nên lương cũng bị cắt đi một nửa nhưng vẫn may là còn duy trì được công việc.”
Đi làm thời COVID-19, tiếp xúc với nhiều người, Châu luôn chủ động phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay. Tuy vẫn lo lắng có nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng cô bạn vẫn cố gắng kiên trì bám trụ làm việc.
“Do đặc thù của công việc nên mình phải đứng tư vấn, nói chuyện với nhiều khách hàng. Đương nhiên điều đó cũng khiến mình cảm thấy sợ và lo lắng. Nhưng mình vẫn luôn chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân mình như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay khô để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh," Minh Châu nói.
Cần chính sách khai thác lao động tiềm năng
Đại dịch COVID-19 khiến việc làm của hơn 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực trong quý 1 và con số này có thể sẽ còn tăng lên trong quý 2 khi mà dịch bệnh đã diễn biến phức tạp hơn.
Nguyễn Văn Toàn (sinh viên năm ba, trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội) đã mất việc làm thêm trong quý 2. Toàn phải kết thúc công việc gia sư của mình ngay cả khi học sinh của cậu sắp trải qua kỳ thi cuối kỳ 2. Toàn chia sẻ vì sợ con mình tiếp xúc với nhiều người nên phụ huynh đành phải cắt hoặc hoãn hợp đồng gia sư. Tuy tiếc nuối nhưng Toàn vẫn phải chấp nhận kết thúc công việc để đảm bảo an toàn cho bản thân và học trò.
[Dịch COVID-19: Tìm giải pháp giữ ổn định việc làm cho người lao động]
Theo Tổng Cục thống kê, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý 1/2021 là gần 2 triệu thanh niên, chiếm khoảng16,3%. Tỷ lệ này đã tăng 0,9%, tương đương với 51.600 người so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như học tập của thanh niên.
Báo cáo về thị trường lao động của Tổng Cục thống kê cũng chỉ ra rằng hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Đặc biệt, việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, cụ thể là ở các quý năm 2019 chỉ ở mức 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch COVID-19 bùng phát, với mức tăng cao nhất là 6,2% vào quý 2/2020. Quý 1/2021, tỷ lệ này là 4,9%.
“Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi, chiếm tới 53,2%, trong khi đó lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36% lực lượng lao động. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng nhóm lao động này càng trở nên cần thiết,” ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh./.