Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond ngày 12/9 kêu gọi các trường đại học không xếp thứ hạng cao của Anh nên giảm bớt học phí cho sinh viên, trong bối cảnh hiện rất nhiều sinh viên Anh đang lún sâu vào tình trạng nợ nần.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ông Hammond cho biết chính phủ sẽ xem xét vấn đề tài chính của sinh viên trước khi công bố báo cáo Ngân sách mùa Thu của chính phủ vào ngày 22/11 tới.
Ông kêu gọi các trường đại học, đứng từ góc độ bên cung cấp đào tạo, hãy xem xét lại vấn đề mức học phí hiện nay.
Theo Bộ trưởng Hammond, mức học phí hiện nay giữa các trường đại học không chênh nhau nhiều. Một số trường đã không trang bị đủ kiến thức để sinh viên của mình tốt nghiệp có thể tìm được việc làm tốt, nhưng vẫn thu mức học phí lên tới 9.250 bảng/năm.
Ông cũng cho rằng các trường đại học dạy các môn xã hội có thể hạ bớt mức thu học phí do chi phí giảng dạy thực hành không nhiều. Tuy nhiên, ông khẳng định việc giảm học phí không có nghĩa là chất lượng giảng dạy của trường kém.
Bộ trưởng Hammond cũng khuyến khích các khóa học nghề hiện nay nên cắt ngắn bớt thời gian học nhằm đáp ứng đúng bản chất của việc học nghề đối với những học sinh tốt nghiệp phổ thông, qua đó giảm bớt thời gian và gánh nặng nợ nần cho học sinh.
Trái với quan điểm của ông Hammond, Giám đốc bộ phận Giáo dục và Kỹ năng thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) Andreas Schleicher ủng hộ hệ thống tài chính hiện nay của các trường đại học Anh.
Ông cho rằng việc tăng học phí bậc đại học là cách giúp chất lượng đào tạo các trường đại học tốp đầu của Anh không bị giảm sút như tại Pháp, Tây Ban Nha, hay Đức.
Theo ông Schleicher, đầu tư công của Anh cho giáo dục đại học khá thấp nên việc tăng ngân sách từ nguồn thu học phí là đúng./.