Ngày 4/3, Quốc hội Slovenia đã thông qua dự luật luật mới, siết chặt các điều kiện đối với người xin tị nạn nhằm hạn chế số người di cư đổ về quốc gia này.
Dự luật mới cho phép đơn giản hóa quá trình xét duyệt đối với những người di cư đến từ "các quốc gia an toàn," rút ngắn thời hạn kháng nghị và giảm hỗ trợ tài chính đối với những người nhập cư và người thân trong trường hợp đến để đoàn tụ gia đình.
Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Vesna Gyorkos Znidar cho biết mục đích của dự luật là để đẩy nhanh và tăng cường tính hiệu quả của các quy tình xét duyệt tị nạn đối với những người thực sự đủ điều kiện tị nạn, đồng thời đẩy nhanh quá trính xét duyệt hồi hương đối với những người không đủ điều kiện.
Dự luật đã được thông qua với 45 phiếu thuận, 4 phiếu chống trên tổng số 90 nghị sĩ trong Quốc hội. Đảng trung hữu đối lập đã không tham gia bỏ phiếu sau khi các yêu cầu về các biện pháp hạn chế cấp quy chế tị nạn và hạn chế số người di cư vào lãnh thổ bị từ chối.
Đây cũng là một trong những động thái mới nhất mà Slovenia, một quốc gia nằm trên lộ trình di cư qua vùng Balkan của hàng nghìn người di cư mỗi ngày, đưa ra nhằm tránh tình trạng trở thành điểm "thắt cổ chai" sau khi nước láng giềng Áo tăng cường kiểm soát biên giới và hạn chế số người di cư vào lãnh thổ nước mình từ tháng trước.
Theo thống kê, khoảng gần 500.000 người di cư tới Áo và Đức đã đi qua lãnh thổ Slovenia kể từ tháng 10/2015 sau khi Hungary tạm đóng cửa biên giới đối với người di cư.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov đã chỉ trích mạnh mẽ lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư, đồng thời yêu cầu được hỗ trợ.
Ông Inavov cho rằng EU đã không thể dự đoán trước tình hình và chưa tìm ra biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát tình hình, đẩy Macedonia tới những áp lực to lớn từ cuộc khủng hoảng người di cư bắt nguồn từ các chính sách nhập cư dễ dãi tạo điều kiện cho người di cư đổ dồn về Hy Lạp trong thời gian qua.
Ông cũng chỉ trích EU khi chi hàng trăm triệu euro để hỗ trợ Hy Lạp nhưng lại chi một phần nhỏ hơn rất nhiều để hỗ trợ các nước ngoài EU như Macedonia bởi theo ông không chỉ riêng Hy Lạp mà cả Macedonia cũng cần phải được trợ giúp nhiều trong việc giải quyết khủng hoảng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại tỏ ra lạc quan hơn về tình hình giải quyết khủng hoảng. Trong thư mời tham dự Hội nghị EU-Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào ngày 7/3 tới, ông Tusk cho biết ông đã nhìn thấy tín hiệu lạc quan đầu tiên sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quốc gia này đang xem xét nhận lại những người di cư không phải gốc Syria đặc biệt là người Maroc, Pakistan hoặc Afghanistan.
Ông Tusk nhận định một thỏa thuận như vậy sẽ giúp giải tỏa áp lực cho những nước nằm dọc lộ trình di cư Balkan, nơi hầu hết người di cư và tị nạn đi qua để tới các quốc gia khác giàu có của "lục địa già"./.