Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông vào ngày 7/6, dư luận tại Nghệ An và trên mạng xã hội xôn xao vì đề thi Ngữ văn có câu tương tự với một câu trong đề kiểm tra học kỳ II lớp 9 môn Ngữ văn tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An khẳng định, không có việc ra "trùng" đề Ngữ văn thi vào lớp 10 Trung học phổ thông.
Theo đó, trong đề thi Ngữ văn lần này có một câu thuộc phần làm văn, dư luận cho rằng tương đối giống với đề thi khảo sát chất lượng học kỳ II lớp 9 môn Ngữ văn vừa qua tại huyện Yên Thành, sẽ có lợi cho thí sinh huyện Yên Thành và làm mất tính công bằng, minh bạch cho các thí sinh khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự trùng hợp về mặt ngữ liệu ngẫu nhiên và không làm ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong đề thi vào lớp 10 Trung học phổ thông môn Ngữ văn ở câu cuối (câu thứ 3) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 (câu 1, 2 không bắt buộc).
Thông lệ, các huyện, thành phố, thị trấn khi ra các đề thi học kỳ, đề thi thử môn Ngữ văn thường chọn các tác phẩm đặc sắc để ra câu 3 trong đề thi. Vì vậy, đề thi tuyển sinh 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo có trùng một tác phẩm (câu 3) của huyện Yên Thành là việc bình thường.
Hơn nữa, tác phẩm được chọn “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ hay nhất của chương trình Ngữ văn 9 và hai khổ thơ được trích dẫn là hay nhất trong bài, chứa đựng nội dung tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Vì thế, những người ra đề thường chọn đoạn ngữ liệu này.
[TPHCM xử lý sai sót trong đề thi tiếng Anh, kỳ thi tuyển sinh lớp 10]
Ông Nguyễn Văn Khoa cũng phân tích, hai đề thi trùng đoạn ngữ liệu trong một tác phẩm nhưng lệnh đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá học sinh khác nhau.
Cụ thể, đề thi khảo sát học kỳ II lớp 9 của huyện Yên Thành là dạng đề mở, không yêu cầu kiểu bài. Học sinh thoải mái lựa chọn kiểu bài, có thể là kiểu bài phân tích, kiểu bài chứng minh, kiểu bài biểu cảm…
Còn đề của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có yêu cầu cụ thể là: “Cảm nhận về ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải trong 2 khổ thơ.”
Đề bài là cảm nhận cho nên khi học sinh lạc sang kiểu bài khác đều lạc đề. Mặt khác, đề thi của Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của người học mà quan trọng hơn là kiểm tra kỹ năng làm bài của học sinh.
Trong khi đó, đề của Yên Thành lại chú trọng vào nội dung kiến thức.
Liên quan đến sự việc trên, tối 8/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời khẳng định quy trình ra đề khách quan.
Theo yêu cầu ra đề thi gồm ba phần, ở câu cuối (câu thứ 3) bắt buộc phải chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 (câu 1,2 không bắt buộc).
Các giáo viên ra đề đã bốc thăm ngẫu nhiên, trúng phần nào sẽ ra đề phần đó, các giáo viên ra đề đều được cách ly theo quy định.
Từ những cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định: Việc trùng ngữ liệu trong câu làm văn không ảnh hưởng đến chất lượng phân loại thí sinh.
Câu trùng tác phẩm nhưng lệnh đề khác nhau, mục đích khai thác tác phẩm khác nhau, mục đích đánh giá khác nhau cho nên dư luận cho rằng đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo và đề thi khảo sát học kỳ của huyện Yên Thành giống hệt nhau ở câu 3 là không có cơ sở.
Bởi vậy sẽ không có việc tổ chức thi lại môn Ngữ văn vào lớp 10 do trùng đề thi vì công tác ra đề thi hoàn toàn khách quan./.