Số người di cư được giải cứu cao bất thường tại Italy trong mùa Đông

Ngày 5/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết khoảng 1.500 người di cư đã được giải cứu ở Địa Trung Hải trong cuối tuần qua - một con số cao bất thường trong mùa Đông.
Số người di cư được giải cứu cao bất thường tại Italy trong mùa Đông ảnh 1Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư trên Địa Trung Hải. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho biết khoảng 1.500 người di cư đã được giải cứu ở Địa Trung Hải trong cuối tuần qua, con số cao bất thường trong mùa Đông khi quá trình vượt biển có xu hướng chậm lại do các điều kiện thời tiết bất lợi trên biển.

Số lượng trên đã nâng tổng số người di cư được giải cứu kể từ hôm 1/2 lên con số 4.500 người.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp thượng đỉnh ở Malta hôm 3/2 nhất trí về những biện pháp ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt từ Libya tới Italy.

Một trong số các biện pháp đó là chiến lược “phá vỡ mô hình kinh doanh” của những kẻ buôn người – vốn đã đưa 181.000 người, chủ yếu là người di cư châu Phi, vào EU thông qua ngả Libya - Italy hồi năm ngoái.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng bao gồm tài trợ và huấn luyện Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya nâng cao năng lực ngăn chặn các tàu thuyền chở người di cư.

Hôm 3/2, Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cho hay cũng đã giải cứu hơn 1.300 người di cư và tị nạn trên Địa Trung Hải, một ngày sau khi Italy và Libya ký bản ghi nhớ về hợp tác nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, chống nạn buôn người cũng như tăng cường kiểm soát đường biên giới.

Trước đó một ngày (ngày 2/2), lực lượng này thông báo hơn 1.750 người di cư đã được cứu trong vòng 24 giờ.

Kể từ đầu tháng 11/2016 đến nay, hơn 1.300 người di cư và tị nạn đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Hiện Hải quân Italy và các tàu bảo vệ bờ biển phối hợp với các lực lượng và tàu cứu hộ hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch EUNAVFOR của EU đã tiến hành tổng cộng 13 chiến dịch tuần tra và cứu hộ tại khu vực Địa Trung Hải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.