Tổ chức Pro Senectute (PS) đại diện cho người già của Thụy Sĩ ngày 1/10 cảnh báo số người cao tuổi bị ảnh hưởng do đói nghèo ở Thụy Sĩ đang ngày càng tăng, mặc dù nước này nằm trong tốp 3 quốc gia có cuộc sống lý tưởng cho người già.
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn báo cáo của PS cho thấy ước tính cứ 8 người cao tuổi thì có 1 người bị ảnh hưởng bởi đói nghèo ở nước này.
Hơn 75% trong số những người này vẫn cần tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội để trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Giám đốc của PS Werner Schärer cho biết trung bình mỗi năm tổ chức này nhận được khoảng 5.000 yêu cầu trợ cấp mới từ những người về hưu có thu nhập và lương hưu không đủ để trang trải cuộc sống.
Năm ngoái, theo điều tra có tới 264.000 triệu phú sống ở Thụy Sĩ, cao hơn 55.720 người so với năm 2008, trong đó có 53% người ở độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, số lượng người cao tuổi cần tới trợ cấp xã hội khẩn cấp cũng đã lên tới 185.000 người, tăng 26.801 người so với hồi năm 2008.
Theo Pro Senectute, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đang lớn hơn. Số người về hưu giàu có không phản ánh đúng những gì đang diễn ra hàng ngày.
Bức tranh về đời sống của những người già ở Thụy Sĩ không phải chỉ toàn màu hồng cho dù bảng xếp hạng Global AgeWatch Index của Tổ chức quốc tế HelpAge đánh giá Thụy Sĩ vẫn là nơi đáng sống thứ ba đối với người cao tuổi trên thế giới, chỉ sau Na Uy và Thụy Điển.
Theo HelpAge, có khoảng 868 triệu người hơn 60 tuổi trên thế giới, chiếm gần 12% dân số toàn cầu.
Vào năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên 2.02 tỉ, chiếm 21% dân số thế giới. Tại một số quốc gia, trong số đó hầu hết là ở Tây Âu, số người già trên 60 tuổi sẽ chiếm hơn 30% dân số.
Thụy Sĩ có tuổi thọ đặc biệt cao, trong đó trung bình phụ nữ Thụy Sĩ có thể sống 85,1 năm và nam giới vào khoảng 80,7 năm.
Theo thống kê chính thức, khoảng 17% người già trên 65 tuổi ở Thụy Sĩ sống ở mức nghèo./.