Số phận không lối thoát của Huawei có phải đã được định sẵn?

Trang mạng aboluowang đăng bài viết phân tích và đưa ra những dự đoán về số phận của Tập đoàn Huawei cũng như của bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn này.
Số phận không lối thoát của Huawei có phải đã được định sẵn? ảnh 1(Nguồn: Huawei)

Trang mạng aboluowang.com mới đây đã đăng bài viết phân tích và đưa ra những dự đoán về số phận của Tập đoàn Huawei cũng như của bà Mạnh Vãn Châu, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn này.

Nhiều người suy đoán rằng liệu việc Mỹ dẫn độ Mạnh Vãn Châu, khởi tố Huawei có phải là một phần trong cuộc chiến thương mại và có phải là “mưu kế” của Mỹ hay không?

Khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ ngày càng trở nên quyết liệt cộng thêm vụ việc của Mạnh Vãn Châu và Huawei khiến cho vụ quyết đấu thế kỷ này càng thú vị hơn.

Nhiều nhà bình luận cho biết Tổng thống Donald Trump từng nói rằng nếu cuộc chiến thương mại đòi hỏi điều đó thì ông có thể cân nhắc “can thiệp” vào trường hợp của bà Mạnh.

Sự lý giải thông thường là Trump có thể chọn không dẫn độ Mạnh Vãn Châu, hoặc không khởi tố truy cứu Mạnh Vãn Châu, lấy đó làm “con bài” đàm phán.

Đây thực sự là một sai lầm lớn. Tác giả bài viết tin rằng ý định can thiệp của Trump là nếu Trung Quốc do cân nhắc đến cuộc chiến thương mại, hay Canada do chịu sức ép từ Trung Quốc mà không dẫn độ Mạnh Vãn Châu và thả bà này ra thì Trump sẽ can thiệp nhằm đảm bảo trình tự tư pháp được vận hành bình thường.

Mạnh Vãn Châu với tư cách là nhân viên của Huawei sẽ bị dẫn độ theo thủ tục, chấp nhận việc xét xử của tòa án Mỹ, đó mới là dụng ý thực sự của Trump!

Mặc dù vậy, cũng không phải là Mỹ muốn gây khó dễ với một người phụ nữ Trung Quốc là bà Mạnh Vãn Châu, cũng sẽ không bỏ tù bà giống như là một mục tiêu quốc gia.

[Mỹ đã bí mật theo dõi và thu thập thông tin về công ty Huawei]

Cái mà Chính phủ Mỹ muốn nhắm vào là Tập đoàn Huawei, hành vi và tham vọng của Huawei cũng như chủ sở hữu và người kiểm soát thật sự đứng sau Huawei.

Mạnh Vãn Châu không phải là mục tiêu của Mỹ, cũng không phải là con bài của họ, mà là do bà vấp trúng “họng súng” của nước này.

Kết cục của Mạnh Vãn Châu có thể xảy ra 4 khả năng: Thứ nhất là việc dẫn độ rơi vào bế tắc, nhóm cố vấn của bà dùng công cụ pháp luật để trì hoãn thời gian, kéo dài vài năm, mười mấy năm, cuối cùng bà sẽ không bị dẫn độ, tuy nhiên cũng không thể rời khỏi Canada.

Mạnh Vãn Châu có đủ tiền để thuê một đội ngũ luật sư đủ mạnh để làm việc này. Người ta cho rằng các thủ tục tố tụng như vậy có thể kéo dài đến vài năm hoặc mười mấy năm.

Đội ngũ cố vấn của Mạnh Vãn Châu gần đây đã kiện Chính phủ Canada chính là sử dụng vũ khí pháp luật của họ và cũng đã trì hoãn được thêm nhiều thời gian hơn.

Nhưng chỉ cần quyết định dẫn độ không thể được đưa ra, Mạnh Vãn Châu cũng không thể rời Vancouver mà chỉ có thể tiếp tục bị quản thúc tại gia và phải đeo một thiết bị định vị 24/24 giờ.

Khả năng thứ hai là Mạnh Vãn Châu phản đối thành công việc dẫn độ, được tòa án Canada thả ra. Nếu như vậy, bà chắc chắn sẽ lập tức bay về Trung Quốc.

Tuy nhiên, tốt hơn hết là bà đừng rời khỏi Trung Quốc, vì một khi bà ra nước ngoài và vào hơn 110 quốc gia có ký kết hiệp ước dẫn độ với Mỹ thì bà vẫn có thể bị Mỹ yêu cầu bắt giữ và dẫn độ lại, ác mộng sẽ lại tái diễn.

Khả năng thứ ba là Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ sang Mỹ, ra tòa được tuyên bố vô tội, được thả ngay tại tòa, trở thành người tự do.

Khả năng cuối cùng chính là Mạnh Vãn Châu bị dẫn độ sang Mỹ, bị phán quyết có tội và bị bắt giam.

Do bà bị buộc tội liên quan đến một số vụ lừa đảo ngân hàng xuyên quốc gia, mức án tối đa cho mỗi tội là 30 năm tù, tổng hợp hình phạt thì Mạnh Vãn Châu năm nay 47 tuổi có thể phải sống nốt quãng đời còn lại trong nhà tù của Mỹ.

Theo quan điểm của tác giả, kết cục thứ nhất có khả năng đến 90%, sau đó là kết cục thứ tư. Khả năng thứ hai và thứ ba rất thấp. Nhưng dù kết quả thế nào thì mục đích của Chính phủ Mỹ có thể đã đạt được.

Ngay cả khi Mạnh Vãn Châu ở lại Canada cũng không thành vấn đề. Tài liệu và bằng chứng mà Mỹ cần có thể đã có và dựa vào đó để thúc đẩy các thủ tục pháp lý đối với Huawei. Tại sao vậy?

Việc điều tra của Mỹ đối với Huawei bắt đầu từ cách đây 6 năm. Năm 2014, Mạnh Vãn Châu đã nhập cảnh vào Mỹ từ sân bay John F. Kennedy tại New York.

Trước khi bà được cho phép đi tiếp, các đặc vụ Mỹ đã kiểm tra các thiết bị điện tử và tìm thấy các tập tin liên quan đến các công ty kinh doanh ở Iran.

Lần này, khi Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada là do trên đường đi công tác, bà chắc chắn phải mang theo máy tính của Huawei hoặc các thiết bị điện tử khác.

Vì là giám đốc tài chính, bà phải thường xuyên giữ liên lạc với bộ phận tài chính và lãnh đạo của công ty, đặc biệt là ở giai đoạn phát triển then chốt của công ty như hiện nay.

Các máy tính hay thiết bị điện tử này hiện đang nằm trong tay cảnh sát hoặc tòa án Canada. Liệu Canada có chia sẻ với Mỹ hay không? Mọi người đều biết rằng Mỹ và Canada thuộc Liên minh Five Eyes (Five Eyes hoặc FVEY), là một thỏa thuận hợp tác tình báo giữa Mỹ với Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh theo thỏa thuận đa phương của UKUSA.

Cách thức mà các nước thu thập thông tin tình báo đang gây tranh cãi, nhưng hệ thống hợp tác gián điệp và tình báo này được coi là liên minh sâu rộng và sâu sắc nhất trong lịch sử loài người.

Vụ án Huawei được coi là liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ. Do đó, ngay cả khi máy tính của Mạnh Vãn Châu được mã hóa thì nội dung và thông tin của nó chắc chắn sẽ nằm trong tay chính phủ Mỹ, chờ CIA hoặc FBI bẻ khóa.

Ngay cả khi Mạnh Vãn Châu được thả hoặc ở lại Vancouver trong một thời gian dài thì những chứng cứ này sẽ được sử dụng làm bằng chứng trước tòa và xuất hiện trong vụ án Mỹ khởi tố Huawei.

Nói một cách thẳng thắn, ông Nhậm Chính Phi, với tư cách là một doanh nhân hiểu biết và là một người cha thì đây có thể là vai bi thảm nhất trong vở kịch cuộc đời.

Ông không thể đến Canada để thăm con gái, không thể an ủi cô con gái chuẩn bị trở thành người kế vị, ông có thể không bao giờ được gặp lại con gái của mình nữa.

Ông thậm chí không dám bước ra khỏi Trung Quốc, bởi có hơn 100 quốc gia có quan hệ hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Nhậm Chính Phi là người đứng đầu Tập đoàn Huawei, chắc chắn là đối tượng mà Chính phủ Mỹ yêu cầu dẫn độ.

Không phải vì sự “thành công” trong kinh doanh của Nhậm Chính Phi đã dẫn đến sự tan vỡ gia đình con gái, mà là sự hợp tác và mối quan hệ chặt chẽ của ông với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc dẫn đến kết cục như ngày hôm nay.

Tại thời điểm này, Nhậm Chính Phi tuyên bố rằng Huawei đã bước vào “trạng thái thời chiến” và muốn nhìn thấy “cơn sóng thần ở Thái Bình Dương”, mục tiêu vẫn là chiến thắng.

Nếu đây là một triết lý kinh doanh hoặc sách lược cạnh tranh thông thường thì cũng không có gì đáng nói. Nhưng nếu làm người tiên phong cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và mở đường cho các thế lực xấu thì thật nguy hiểm.

Huawei đã bí mật mời các phóng viên Mỹ đến phỏng vấn tại Thâm Quyến đồng thời cung cấp chỗ ăn ở miễn phí và vé máy bay khứ hồi. Kiểu hành vi mua chuộc và thao túng dư luận này cũng là một mánh khóe xưa nay của Trung Quốc.

Việc Mỹ khởi kiện Huawei sẽ kết thúc ra sao? Cho dù kết cục của Mạnh Vãn Châu như thế nào thì số phận không lối thoát của Huawei xem ra đã được định sẵn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục