Giá vàng thế giới và trong nước những ngày qua liên tiếp tăng giá. Đỉnh điểm là ngày 19/7, giá vàng trong nước đã vượt mốc 40 triệu đồng mỗi lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới và đây là mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Tăng giá nhưng thị trường vẫn trầm lắng
Riêng trong ngày 19/7 bảng giá vàng SJC của Công ty vàng bạc Phú Quý đã điều chỉnh tới 6 lần, có lần tăng có lần giảm nhưng hiện vẫn đứng ở mức cao.
Ông Trần Đức Mạnh, Quản lý cửa hàng vàng Phú Quý trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết, hiện thị trường vàng giao dịch khá trầm lắng có thể là do khách hàng chưa kịp phản ứng lại với sự biến động của vàng, chỉ lác đác có một vài khách đến bán để chốt lời.
[Giá vàng châu Á rơi khỏi mức cao nhất trong vòng hai tuần]
Theo ghi nhận từ thị trường, khách mua bán không có đột biến, chủ yếu người dân đến mua vàng trang sức do có nhu cầu chứ không do tác động của giá vàng.
Chị Nguyễn Thị Thanh, quận Hai Bà Trưng cho biết do có ý định chọn mua dây chuyền trang sức 3 chỉ tặng con gái dịp sinh nhật nên chị không quan tâm đến giá lên hay xuống. "Cho dù giá có cao hơn nữa thì tôi vẫn mua để tặng con," chị Thanh nói.
Anh Trần Thành Nam ở Ba Đình (Hà Nội) từng là một nhà đầu tư vàng ở thời điểm những năm 2011-2013. Anh Nam cũng đã từng thành công nhiều vụ "lướt sóng" nhưng cũng đã gặp "quả đắng" ở lần giá vàng lên 46 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, trong đợt tăng giá này anh đã không còn mặn mà với kim loại quý.
"Sau khi bị mất tiền dịp đó, tôi nhận ra một điều nếu thị trường có sự tăng đột biến mà chưa thấy có dấu hiệu dừng thì rất dễ dẫn đến tình trạng vàng bị giảm giá đột ngột. Vì thế, nếu không tỉnh táo xem xét và chỉ chạy theo tâm lý đầu tư theo đám đông sẽ có nguy cơ bị thua lỗ trong ngắn hạn," anh Nam chia sẻ.
Giá vàng bất ngờ tăng tốc kể từ đầu tháng Sáu ở cả thị trường thế giới và trong nước. Đồng kim loại quý đã lần lượt chinh phục các mốc 37 triệu đồng/lượng rồi vọt lên trên 39 triệu đồng/lượng và tiến sát mốc 40 triệu đồng/lượng vào ngày 25/6 và giữ giá cho đến phiên ngày 19/7 thì vượt 40 triệu đồng mỗi lượng.
Cách đây 6 năm trở về trước, bất kỳ một động thái nào của thị trường vàng dù tăng, dù giảm thì cũng thu hút sự chú ý của người dân cũng dẫn đến cảnh xếp hàng để tranh mua tranh bán. Nhưng hiện nay giá vàng đã lập đỉnh nhưng thị thị trường vàng vẫn trầm lắng.
Trong khi đó, các chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên các nhà đầu tư vàng ngắn hạn ở thời điểm này phải hết sức cẩn trọng vì hiện giá vàng trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thực tế cũng đã chứng minh, có lợi nhất trong những "cơn sốt" vàng không ai khác chính là giới kinh doanh vàng. Mỗi lần thị trường có biến động, các nhà vàng thường nới rộng khoảng cách giữa mua và bán để đảm bảo sự an toàn. Những ngày gần đây, chênh lệch giữa mua và bán được các nhà vàng nới rộng từ 300.000-500.000 đồng/lượng, trong khi ngày thường con số này vào khoảng 150.000-200.000 đồng/lượng.
Bên cạnh đó, hiện nay giá vàng trong nước luôn trong tình trạng thấp hơn giá vàng thế giới từ 300.000 - 500.000 đồng mỗi lượng, trong khi những năm trước thường thấp hơn từ vài trăm đến 2 triệu đồng, thậm chí có thời điểm lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng.
Tiến Sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, trong 6 tháng vừa qua vàng thế giới tăng 10%, vàng trong nước tăng 6,5% nhưng thị trường vàng vẫn khá êm. Trước đây chỉ tăng 2-3% người dâ đã đổ xô đi mua bán. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát khá tốt thị trường vàng thời gian qua khiến người dân đầu cơ ít hơn, găm giữ ít hơn.
Vì sao vàng tăng?
Trên thị trường thế giới, giá vàng tăng cao nhất lên đến 1.444 USD/ounce ở phiên ngày 19/7 nhưng đến phiên hôm nay (20/7) đã giảm và hiện đang giao dịch ở mức và đây vẫn là mức cao nhất kể từ năm 2013.
Giải thích cho nguyên nhân tăng giá liên tiếp và 'phi mã' của giá vàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới.
Vị chuyên gia này phân tích, giá vàng thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định không tăng lãi suất và bỏ khả năng có thể sẽ giảm lãi suất trong thời gian sắp tới. Nếu thông tin này đúng thì đây sẽ là lần đầu tiên sau 11 năm có đợt giảm lãi suất. Quyết định này khiến đồng USD bị bán rất mạnh ra thị trường trong khi thị trường chứng khoán, vàng, dầu... đồng loạt tăng giá. Các nhà đầu tư cảm thấy không an toàn khi đầu tư vào đồng USD sau thông báo của Fed nên mua vào rất nhiều ở các mặt hàng khác. Đó là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá vàng thế giới tăng và kéo theo vàng trong nước cũng tăng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhận định cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang tạo ra nhiều biến động về thương mại, đầu tư, kinh tế trên toàn cầu. Tại thời điểm này cuộc chiến ngày càng trở nên căng thẳng. Vì vậy, giá trị đồng USD bị ảnh hưởng. Khi giá trị đồng USD giảm, người ta đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn.
Không chỉ vậy, các bất ổn chính trị trong thời gian gần đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới giá vàng tăng. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran khi quốc gia đến từ Trung Đông bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ.
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra phân tích, nguyên nhân chủ yếu giá vàng thế giới tăng cao nhất trong hơn 6 năm qua do các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ ủng hộ việc Fed hạ lãi suất cơ bản trong phiên họp cuối tháng 7/2019, khiến đồng USD giảm so với rổ tiền tệ, xuống mức 96,648 điểm, mức thấp nhất 2 tuần qua. Ngoài ra căng thẳng chính trị giữa Mỹ-Iran không ngừng hạ nhiệt, vì vậy nhu cầu tư vào vàng vẫn tiếp tục tăng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng giá vàng thế giới còn có thể lên tới khoảng 1.700 USD/ounce. Hiện tại, các quỹ giao dịch và ngân hàng trung ước các nước đang mua vào rất nhiều vàng. Thậm chí ông David Roche, Chủ tịch kiêm chiến lược gia toàn cầu tại công ty Independent Stratergy có trụ sở ở Anh, dự đoán giá vàng được dự báo sẽ chạm mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay./.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói về việc tăng giá vàng thời gian qua: