Sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc mặt bằng dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm

Hồ chứa nước Mỹ Lâm tỉnh Phú Yên đã thi công được hơn 1 năm nhưng nhiều vướng mắc liên quan đến xác định nguồn gốc đất, chuyển đổi đất rừng, bồi thường cho người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số hộ dân xã Hòa Thịnh dựng lều, trồng chuối khu vực dự án yêu cầu địa phương bồi thường giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm tỉnh Phú Yên với dung tích chứa 34,8 triệu m3 đã thi công được hơn một năm, thế nhưng nhiều vướng mắc liên quan đến xác định nguồn gốc đất, chuyển đổi đất rừng, bồi thường cho người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Đã gần một tháng nay, gia đình ông Hà Văn Ban, thôn Mỹ Xuân 2, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa cùng một số hộ dân trong xã đã lập một lán trại ngay tại vị trí thi công “đập đất chặn dòng” công trình hồ chứa nước Mỹ Lâm, ngăn cản không cho các đơn vị thi công hạng mục này.

Đại diện cho các hộ dân, ông Hà Văn Ban cho rằng: “Vị trí ông lập lán trại là đất sản xuất ổn định trước đây của gia đình. Khi Nhà nước có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Mỹ Lâm, gia đình ông rất đồng thuận, sẵn sàng giao gần hết diện tích đất canh tác 28.000m2 để nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, dự án đã thi công được hơn một năm, một số hạng mục công trình cũng sắp hoàn thành, nhưng người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa được nhận tiền đền bù mà chỉ là những “lời hứa hẹn” của chính quyền địa phương.”

[Phú Yên: Công bố nghị quyết về việc thành lập thị xã Đông Hòa]

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Lịch, thôn Mỹ Hòa có gần 30.000m2 đất sản xuất từ năm 1986 đến nay, gia đình đã giao diện tích đất này cho chính quyền địa phương để thi công hồ chứa nước Mỹ Lâm.

"Phần lớn diện tích đất sản xuất của gia đình đã “nhường” hết cho dự án vì mục đích chung. Chúng tôi chờ Nhà nước chi trả bồi thường có nguồn vốn dự tính sẽ chuyển đổi sang chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thế nhưng, tiền đền bù của gia đình được chi trả nhỏ giọt, không đủ kinh phí để chuyển đổi sản xuất. Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương sớm bồi thường thỏa đáng các diện tích đất đã thu hồi," ông Nguyễn Thanh Lịch chia sẻ.

Ngoài ra, một số hộ dân không thống nhất về cách xác định nguồn gốc đất của chính quyền địa phương.

Khi triển khai dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm nhiều hộ dân nhận được thông báo thu hồi và được bồi thường hỗ trợ các thửa đất đang sử dụng không có đất sông, suối. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân lại nhận được thông báo diện tích đất các hộ đang sử dụng có đất sông, suối và diện tích đất này không được hỗ trợ. Do vậy, người dân kiến nghị chính quyền địa phương cần kiểm tra lại nguồn gốc đất một cách rõ ràng, thực hiện bồi thường theo đúng diện tích đất thu hồi.

Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm được xây dựng trên diện tích hơn 477ha tại hai xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách đối ứng địa phương.

Dự án thi công từ tháng 1/2019, dự kiến hoàn thành tháng 6 năm 2021, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 5 làm chủ đầu tư. Công trình hoàn thành sẽ đảm bảo tưới nước cho 2.500ha đất canh tác, đồng thời giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho 38.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Để triển khai công trình, Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa đã thông báo thu hồi đất của 461 hộ dân và 3 tổ chức. Sau hơn 1 năm thi công đến cuối tháng 5/2020, huyện đã giao mặt bằng cho đơn vị thi công gần 326ha, đạt 68,18%. Đồng thời, huyện mới chỉ giải ngân được trên 30% vốn dành cho hạng mục bồi thường tái định cư với số tiền trên 30 tỷ đồng.

Ông Lương Trần Thống Nhất, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý thủy lợi 5 cho biết dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm hiện đang gấp rút hoàn thành các hạng mục (đập đất chặn dòng, tràn xả lũ và cống lấy nước); trong đó, tràn xả lũ và cống lấy nước đơn vị thi công đã hoàn thành khối lượng từ 80-90%.

Riêng hạng mục công trình đập đất ngăn dòng mục tiêu đến ngày 30/9 phải đạt đến cao trình 25 mới đảm bảo để chặn dòng, nhưng hiện tại đơn vị mới chỉ thi công được đến cao trình 16 (đạt 30%) thì phải tạm dừng do người dân ngăn chặn không cho thi công.

Theo ông Lương Trần Thống Nhất, hạng mục đập đất ngăn dòng rất quan trọng trong kết cấu dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm. Việc thi công đập phải chọn lựa rất kỹ đất đắp đập, thời điểm vàng để đắp đập, đồng thời đơn vị tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công trình trước mùa mưa bão.

Hiện nay, công trình đang phải tạm dừng, chậm hơn so với dự kiến thi công gần một tháng, nếu công trình tiếp tục bị ngăn cản thi công, sẽ mất thời điểm vàng để hoàn thành đắp đập, đồng thời không đảm bảo tiến độ đề ra.

Thi công hệ thống công trình tràn xả lũ dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa xác nhận, việc người dân ngăn chặn không cho đơn vị thi công đập chặn dòng đã diễn ra từ ngày 15/6 đến nay.

Mục đích của các hộ dân là yêu cầu địa phương giải quyết bồi thường sau khi thu hồi đất phục vụ dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm.

Theo ông Mai Ne, việc bồi thường hỗ trợ sau khi thu hồi đất của địa phương để thực hiện dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm đang bị chậm. Nguyên nhân là do khi triển khai thi công dự án địa phương gặp ba vướng mắc lớn cần sự vào cuộc của tỉnh và Trung ương nên huyện chưa đủ căn cứ xác định, áp giá đền bù cho người dân.

Để thi công dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm địa phương phải chuyển đổi hơn 31 ha đất rừng phòng hộ và hơn 65ha đất lúa. Sau khi tỉnh có các văn bản kiến nghị, ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 396/TTg-NN cho phép tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án.

Còn đối với diện tích đất rừng phòng hộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình xin ý kiến Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt.

Ngoài ra, việc quản lý đất, rừng ở địa phương còn nhiều hạn chế. Trong một thời gian dài Ủy ban nhân dân xã Hòa Thịnh đã buông lỏng quản lý diện tích đất công ích.

Có gần 13ha đất được lưu trong hồ sơ 3 cấp là đất công ích 5%, nhưng bị bỏ hoang để người dân khai hoang, sản xuất ổn định và không đóng tiền thuê đất.

Đến khi địa phương thực hiện hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng thi công dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm quy chủ đất cho người dân đã xảy ra tranh chấp. Người dân cho rằng đất này là đất họ đã khai hoang và sản xuất từ trước năm 1995 đến nay, không ai tranh chấp và xã không cho thuê nên diện tích này được Nhà nước khi bị thu hồi.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa không chặt chẽ, để các hộ dân sản xuất ổn định trên diện tích hàng chục ha đất do đơn vị quản lý từ nhiều năm về trước.

Theo ông Mai Ne, để giải quyết các vướng mắc của dự án ngoài việc chờ quyết định phê duyệt chuyển đổi mục đích rừng của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dânhuyện cũng đã kiến nghị Ủy ban Nhân dântỉnh Phú Yên điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích gần 67ha thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa; đưa 13ha đất tại xã Hòa Thịnh ra khỏi tổng diện tích đất công ích cho phù hợp với thực tế để có cơ sở thu hồi đất, bồi thường theo quy định.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa cũng đã trích kinh phí của huyện để tạm ứng cho một số hộ dân bị ảnh hưởng khi thu hồi đất thi công dự án trong khi chờ các quyết định phê duyệt, điều chỉnh từ các cấp trên. Sau khi được phê duyệt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất huyện sẽ tiến hành chi trả tiền đền bù cho người dân theo đúng quy định.

Dự án hồ chứa nước Mỹ Lâm có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Phú Yên. Theo dự kiến dự án phải hoàn thành trong tháng 6/2021. Đến ngày 30/9, nếu không giải ngân được 60% tổng giá trị vốn, công trình có nguy cơ bị rút vốn, kể cả nguồn vốn hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, gây thiệt hại lớn cho địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục