Sớm hiện thực hóa mơ ước an cư của công nhân thành phố Cảng

Hải Phòng dự kiến từ năm 2023-2030, thành phố sẽ có ít nhất 27 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở xã hội cho các trường hợp khác với tổng số gần 41.300 căn hộ.
Phối cảnh dự án Khu đô thị-Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ. (Ảnh: TTXVN phát)

Với mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương đi đầu về xây dựng nhà ở xã hội, thành phố Hải Phòng đang triển khai nhiều dự án liên quan.

Dự kiến từ năm 2023-2030, thành phố sẽ có ít nhất 27 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở xã hội cho các trường hợp khác với tổng số gần 41.300 căn hộ.

Liên tục khởi công các dự án mới

Từ tháng 3/2023 đến nay, Hải Phòng khởi công 3 dự án nhà ở xã hội lớn.

Cụ thể, ngày 7/3, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tổ chức khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội tại tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai), phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng với tổng số khoảng 4.456 căn hộ.

Tiến độ thực hiện các mục tiêu chủ yếu của dự án từ khi có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền đến khi đưa dự án vào vận hành khai thác trong vòng 2 năm.

Tiếp đó, ngày 28/5, Ủy ban Nhân dân thành phố và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng tổ chức lễ khởi công Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu đô thị-Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ nằm trên địa bàn xã Lê Lợi, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương.

Quy mô của khu nhà gồm 10 tòa nhà chung cư cao 15 tầng với tổng số 2.538 căn. Thời gian thực hiện dự án từ quý 2 năm 2023 đến quý 4 năm 2025.

[Làm cách nào để giải bài toán ‘ách tắc’ về phát triển nhà ở xã hội?]

Ngày 30/5, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam tổ chức khởi công Dự án xây dựng Khu nhà ở công nhân viên của công ty.

Dự kiến, đến quý 4 năm 2024 hoàn thành 3 tòa nhà ở cho công nhân, hai tòa cho cán bộ và một tòa nhà tiện ích. Khi hoàn thành, dự án đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân.

Các dự án này góp phần để Hải Phòng hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội mà Chính phủ giao thành phố hoàn thành từ nay đến năm 2030 để cụ thể hóa đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ đã phê duyệt.

Chuyển hóa quan điểm về nhà ở xã hội

Tại cuộc đối thoại của Thường trực Thành ủy Hải Phòng với công nhân, viên chức, người lao động thành phố vào cuối tháng 5, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định thành phố đã nỗ lực, tập trung triển khai các dự án về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân.

Phối cảnh dự án Khu nhà ở công nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Đến nay, thành phố đã chuẩn bị để có thể phát triển gần 47.000 căn nhà ở xã hội, vượt xa so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho thành phố đến năm 2025 và năm 2030.

Theo ông Lê Tiến Châu, bên cạnh mục tiêu về số lượng, lãnh đạo thành phố đang nỗ lực thay đổi, chuyển hóa quan điểm của nhiều người cho rằng nhà ở xã hội là “không gian cho các đối tượng yếu thế, thu nhập thấp, các điều kiện sống vừa đủ” thành “không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học) và quan trọng phải vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.”

Nhà ở xã hội sẽ gắn liền với đô thị và với các khu vực sản xuất, dịch vụ, tạo công ăn, việc làm; hạn chế dần các dự án nhỏ và dần chuyển sang mô hình dự án nhà ở là “khu ở, đơn vị ở đồng bộ, tiện nghi” với quy mô lớn.

Từ thay đổi quan điểm tiếp cận sẽ dẫn đến thay đổi cách làm. Tới đây, khi xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, quan điểm này sẽ được cụ thể hóa, trở thành cam kết của lãnh đạo thành phố với nhân dân.

Đại diện các nhà đầu tư đều khẳng định các khu nhà ở xã hội mới sẽ là nơi mang lại nhiều giá trị về vật chất, tinh thần đối với người lao động.

Tại lễ khởi công Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu đô thị-Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng, chủ đầu tư dự án thông tin, mục tiêu là đem đến sẩn phẩm căn hộ chung cư chất lượng tốt, giá thành thấp, góp phần giải quyết chỗ ở cho người lao động trong Khu Công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) nói riêng, người thu nhập thấp cùng các trường hợp khác đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nói chung. Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị về xã hội, kinh tế cho người lao động tại địa phương.

Ông Chen Chi Liang, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam, nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu nhà ở công nhân viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegatron Việt Nam, cho biết công trình nhà ở công nhân, nhân viên sẽ mang đến những tiện ích cho người lao động, dành cho họ những phúc lợi cần thiết, giảm gánh nặng tài chính. Việc xây dựng khu nhà ở xã hội này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả giá trị tinh thần để công nhân an cư, lạc nghiệp, tái tạo sức lao động.

Người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố là nhóm có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhất.

Theo thống kê sơ bộ, khoảng 200.000 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nằm trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng; trong đó, hơn 60% là lao động ngoại tỉnh.

Tại nhiều buổi tiếp xúc của các cấp lãnh đạo thành phố Hải Phòng, các cấp Công đoàn, người lao động đều bày tỏ niềm mơ ước mua được nhà ở xã hội.

Chị Nguyễn Thị Dung, người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Medikit Việt Nam, Khu Công nghiệp Nhật Bản- Hải Phòng, cho biết vợ chồng chị có một con nhỏ và đang phải thuê nhà trọ của người dân với diện tích 10 m2. Mùa hè nóng bức, mùa mưa ngập lụt. Vợ chồng chị đang cố gắng tích lũy tài chính và mong muốn lãnh đạo thành phố Hải Phòng có cơ chế, chính sách để có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên địa bàn thuận lợi nhất và sớm được sở hữu căn nhà mơ ước.

Tháo gỡ ách tắc chung

Theo ý kiến của giới chuyên gia, để đẩy mạnh nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo đô thị, nhà ở công nhân, sinh viên, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ vì đây là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội đồng thời bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết.

Mặt khác, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định vẫn còn tồn đọng nhiều thách thức trong việc giải ngân 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội.

Đến thời điểm này vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay gói 120.000 tỷ đồng. 

Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: điều kiện về cư trú, thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.

Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Bên cạnh đó, ủy ban nhân dân các địa phương cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các Ngân hàng thương mại thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn; đẩy mạnh truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục