Sớm nhân rộng các mô hình hay về cải cách thủ tục hành chính

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yều cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân.
Quang cảnh phiên họp Tổ Công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: TTXVN phát)

Sáng 16/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Phiên họp thứ hai Tổ Công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận công tác cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương đã đạt được kết quả bước đầu.

Dù chưa được như mong muốn nhưng kết quả này đã khích lệ để chúng ta có thể nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới. Nổi lên là có những mô hình, cách làm của một số địa phương rất hay. Thường trực Tổ công tác và các địa phương nhanh chóng học tập, nhân rộng.

Đánh giá nhiều việc chưa đạt được, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị từng cấp, ngành phải xem đây là việc quan trọng, tập trung triển khai các giải pháp đổi mới thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

[Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về Cải cách Thủ tục Hành chính]

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò người đứng đầu, bởi nơi nào người đứng đầu quan tâm nơi đó kết quả tốt, tích cực và ngược lại. Do vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm.

Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương rà soát quy trình cũ, xây dựng quy trình mới thực sự minh bạch, tránh phát sinh thủ tục rườm rà, không cần thiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì phiên họp Tổ Công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: TTXVN phát)

Mỗi địa phương, bộ, ngành phải có sự linh hoạt trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là xếp thứ tự ưu tiên cái nào trước, cái nào sau, bởi chúng ta không đủ nguồn lực và thời gian để làm cùng một lúc tất cả mọi việc.

Lãnh đạo Chính phủ thống nhất nguyên tắc cắt giảm dịch vụ công không phát sinh hồ sơ trong khoảng 3 năm nay, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát trong bộ hàng trăm thủ tục, cái nào không hiệu quả thì cắt giảm; thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp kịp thời hoàn chỉnh nội dung công việc.

Báo cáo tại phiên họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đánh giá, các bộ, ngành, địa phương đưa ra giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; qua đó đạt được những kết quả nhất định.

Trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ 2022 đạt 8,78% và 13,14%); chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%).

Thực hiện Đề án 06, có 15 bộ, ngành và 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư. Tổng cộng có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, 536 triệu trường hợp đồng bộ thông tin công dân; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.

Trên cơ sở kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành và địa phương cần triển khai ngay giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công…

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; rà soát sửa đổi, hoàn thiện quy định; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, quản lý công bố, công khai thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm; khó khăn vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp đổi mới cải cách thủ tục hành chính. Các đại biểu chỉ ra, chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện nhưng chưa đáng kể; còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhìn nhận công tác cải cách thủ tục hành chính tại Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do Thành phố có khối lượng hồ sơ lớn, còn có nguyên nhân chủ quan là kỷ cương, kỷ luật hành chính, sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của người đứng đầu cơ quan hành chính.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, ông Phan Văn Mãi cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính đến cuối năm 2023, trong đó, xác định 32 nhiệm vụ với các mốc thời gian cụ thể, phấn đấu đến cuối năm cơ bản hoàn thành nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính Chính phủ chỉ đạo.

Thành phố ban hành Chỉ thị để giải quyết thủ tục hành cho người dân và doanh nghiệp, giải quyết trong nội bộ sở, ngành, địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục