Theo dõi thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương

Các thành viên Tổ công tác theo phân công trực tiếp đôn đốc, làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Theo dõi thực hiện cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngày 30/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 51/QĐ-TCTCCTTHC ban hành Quy chế Hoạt động của Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác).

Theo Quy chế, Tổ công tác có thể làm việc theo các hình thức như tổ chức phiên họp định kỳ, cuộc họp đột xuất, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến) và cho ý kiến bằng văn bản.

[Ban hành Kế hoạch Cải cách Thủ tục Hành chính 6 tháng cuối năm]

Các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Tổ trưởng Tổ công tác sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.

Các thành viên Tổ công tác theo phân công trực tiếp đôn đốc, làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình, giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, Tổ phó và các thành viên Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt các nội dung chỉ đạo của Tổ công tác để đôn đốc, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách thuộc cơ quan, ngành, lĩnh vực mình phụ trách, đặc biệt là xử lý, tháo gỡ các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (bao gồm cả các hàng rào kỹ thuật dựa trên các tiêu chẩn, quy chuẩn kỹ thuật) là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; tham dự các cuộc họp hoặc cử cán bộ có đủ thẩm quyền tham dự; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đề nghị của Tổ công tác; phối hợp với Cơ quan thường trực Tổ công tác kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục