Sóng biển "nuốt chửng" đê biển Gò Công tốc độ ngày càng nhanh

Sau khi "nuốt" dần đai rừng phòng hộ, sóng biển và gió chướng đang uy hiếp mạnh đê biển Gò Công, nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2020, tuyến đê xung yếu này sẽ khó có thể tồn tại.
Sóng biển "nuốt chửng" đê biển Gò Công tốc độ ngày càng nhanh ảnh 1Sóng biển xâm thực mạnh vào đất liền tại huyện Gò Công. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Tháng 12 mới vào đầu mùa gió chướng nhưng đê biển Gò Công ở Tiền Giang đang bị uy hiếp mạnh, những cơn sóng to lừng lững từ ngoài khơi xa theo gió chướng thổi mạnh đánh từng chập vào bờ gây sạt lở đất đai và cây rừng phòng hộ, nhà cửa nhân dân, gây ra nhiều thiệt hại.

Tuyến đê biển Gò Công dài trên 21.000m có nhiệm vụ hết sức quan trọng là ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất trên 40.000ha đất và khoảng 500.000 dân các huyện vùng ven biển tỉnh Tiền Giang.

Để tăng khả năng chống chịu của đê biển trước bão tố và triều cường, bên ngoài đê còn có đai rừng phòng hộ với chiều sâu từ 300m đến ngoài 1.000m tùy theo từng đoạn.

Tuy nhiên, là tỉnh hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông nên Tiền Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, triều cường phía đông và ngập lũ phía tây làm sạt lở, ngập úng, hạn mặn…trong đó, đê biển Gò Công là một trong những tuyến đê giữ vai trò tiền tiêu chống chịu bão tố, triều cường hàng năm.

Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết đê biển Gò Công được hình thành từ trước năm 1975, qua nhiều năm bị sóng gió, đặc biệt mùa gió chướng thổi mạnh kèm theo sóng to, đã xâm thực khủng khiếp khiến toàn bộ tuyến đê hư hỏng, không còn phát huy tác dụng phòng chống thiên tai.

Tuyến đê này đã hai lần phải di dời, hiện tuyến đê mới cách đê cũ khoảng 400m sâu vào đất liền.

Ông Pháp cho biết, mặc dù tỉnh nhanh chóng triển khai các giải pháp tích cực để bảo vệ đê và rừng phòng hộ nhưng biến đổi khí hậu gây sạt lở nặng, làm mất dần đai rừng phòng hộ, đe dọa an toàn đê, đe dọa an toàn cho những khu dân cư ven biển Gò Công.

Khảo sát của ngành chức năng cho biết, trung bình mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 8-10m. Rừng phòng hộ ngoài đê mất từng mảng lớn, có đoạn xung yếu khu vực xã Tân Điền, Tân Thành (huyện Gò Công Đông) sóng đánh trôi hết toàn bộ mảng rừng phòng hộ ngoài đê. Có đoạn, đai rừng còn vỏn vẹn từ 4-20m tính từ chân đê ra biển.

Hiện nay, khoảng 5km đê xung yếu thuộc xã Tân Điền coi như mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ, phải trực tiếp đối mặt với sóng gió dữ dội. Đoạn xung yếu này đang được Tiền Giang kiên cố hóa bằng nguồn vốn nâng cấp đê biển do Trung ương hỗ trợ.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, trước tình hình hiện nay, nếu không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ diện tích rừng phòng hộ còn lại và khôi phục rừng đã mất phía ngoài đê thì đến năm 2020 toàn bộ rừng phòng hộ bảo vệ đê biển Gò Công không còn. Tuyến đê biển Gò Công khi ấy khó tồn tại trước thiên tai.

Thông thường, sạt lở xảy ra vào mùa gió chướng thổi mạnh hàng năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Pháp, chưa năm nào như năm nay, mới đầu mùa gió chướng nhưng sóng gió làm sạt lở mất hàng chục ngàn m2 đất ao mương nuôi thủy sản ven đê, làm sập thêm 3 căn nhà dân tại ấp Cầu Muống, xã Tân Thành.

Trước đó, cũng tại khu dân cư ven đê ấp Cầu Muống đã có 3 nhà dân bị sóng biển đánh sập phải di dời khẩn cấp bảo toàn tính mạng.

Đầu tháng 12, nhóm phóng viên đi thực tế tại xã Tân Thành, một xã ven biển của huyện Gò Công Đông, nơi có vùng nuôi nghêu ven biển rộng trên 2.000ha vốn mang lại cho bà con sở tại nguồn nguồn lợi kinh tế hết sức quan trọng.

Tại ấp Cầu Muống, nhóm phóng viên bắt gặp chị Đinh Thị Mai đang gom từng miếng gạch vỡ của nhà hộ dân phía ngoài bị sập, phải di dời để gia cố chân tường nhà mình.

Chị Mai cho biết, sau khi hộ bên ngoài liền kề nhà chị bị sóng đánh sập, đến lượt nhà chị trở thành điểm trực tiếp phải chống chịu sóng biển và gió chướng.

Chị cũng cho biết thêm, mấy hộ ở đây đã phải di dời do không thể cầm cự trước mùa gió chướng năm nay.

Ông Đoàn Thanh Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Thành, cho biết có hai khu dân cư sống ngoài đê biển Gò Công. Một khu tại ấp Cầu Muống và một khu ở ấp Tân Phú với khoảng 47 hộ dân. Đây cũng là hai điểm dân cư cần phải di dời khẩn cấp bởi tình hình sạt lở do biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, phức tạp.

Hiện nay, tỉnh đang lập dự án di dời các hộ dân trên vào khu tái định cư để bảo đảm an toàn. Trong thời gian chờ dự án thì năm ngoái đã có 3 hộ và đầu mùa gió chướng năm nay có thêm 3 hộ dân phải di dời khẩn cấp bởi nhà cửa bị sập.

Để bảo vệ đê và rừng phòng hộ, từ năm 2011, trong khuôn khổ Chương trình củng cố nâng cấp đê biển được Chính phủ phê duyệt, Tiền Giang triển khai dự án nâng cấp đê biển Gò Công, tổng vốn đầu tư 877 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, mới chỉ thực hiện được một số hạng mục bức thiết trước mắt với kinh phí đầu tư khoảng 170 tỷ đồng, chiếm 19% tổng kinh phí toàn dự án.

Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét hỗ trợ khẩn cấp 405 tỷ đồng đầu tư kè mái đê biển ở những đoạn xung yếu, cứng hóa mặt đê biển, thực hiện chống xói lở, gây bồi và trồng lại rừng phòng hộ tại những nơi bị mất để bảo vệ an toàn tuyến đê.

Song song đó, tỉnh cũng xúc tiến lập dự án hỗ trợ di dời trên 40 hộ dân sống ven đê biển đang đối mặt nguy cơ sạt lở cao mà đa phần đều là hộ dân ven biển nghèo khó. Trong số này, trên 50% số hộ không có đất để di dời.

Rõ ràng, đây là những vấn đề bức thiết cần thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho đê biển Gò Công, phát huy được vai trò tuyến đê trong việc thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất và đời sống trên nửa triệu dân vùng ven biển tỉnh Tiền Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục