Chỉ trong một đêm, bãi biển Anyer, một trong những địa điểm du lịch thu hút khách của Indonesia đã trở nên hoang tàn sau thảm họa sóng thần quanh eo biển Sunda, nằm giữa đảo Sumatra và Java.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia ngày 23/12 đã có mặt tại con đường ven biển Anyer, biển Carita của tỉnh Banten. Con đường này vào mỗi dịp cuối tuần thường tấp nập xe cộ và khách du lịch, tuy nhiên, ngày 23/12 phần nhiều xe cộ trên đường là xe cứu thương, xe cảnh sát, xe cứu hộ.
Mưa vẫn trút không ngừng từ đêm 22/12. Cảnh sát khu vực đang khẩn trương vừa dọn cây vừa thiết lập một đường vòng tránh chướng ngại vật.
Có những đoạn đường bị phá hủy nặng nề. Nhiều chiếc ôtô bị cuốn phăng, lao vào nhà hoặc bị mắc lên cao.
Những chiếc container dự kiến được sử dụng để thiết kế thành những nhà nghỉ kiểu mới cũng bị cuốn trôi và xô mắc vào nhau. Nhiều chiếc máy xúc bánh xích cũng chung số phận.
Sóng thần quét qua đã phá hủy hoàn toàn những ngôi nhà ven biển là nơi trú ngụ cũng như nơi kiếm kế sinh nhai của người dân.
Tuy nhiên, dọc hàng chục kilomet bờ biển có những đoạn hầu như không bị ảnh hưởng bởi sóng thần. Một số ý kiến cho rằng địa hình bờ biển ở đây có những vịnh nhỏ nên khu vực bên trong được che chắn sóng.
[Điện thăm hỏi nhân dân Indonesia thiệt hại do sóng thần]
Ông Rudiherdiansah, người dân sống bên bờ biển Carita, cho biết ông nghe thấy tiếng sóng khác thường vào gần 22 giờ hôm trước và ngay sau đó 3 đợt sóng đã ập vào trong vòng khoảng 15 phút. Cơn sóng thứ ba đã làm sập nhà của ông. Gia đình ông Rudiherdiansah là một trong số những người sống sót trong trận sóng thần và chỉ bị thương nhẹ.
Trận sóng thần đã khiến ít nhất 222 người thiệt mạng trong khi 843 người khác bị thương.
Theo Cơ quan Địa vật lý, khí tượng học và khí hậu học Indonesia (BMKG), vụ sóng thần này xảy ra vào 21 giờ 30 phút tối 22/12, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khu vực như Eo biển Sunda, gồm các bãi biển tại Pandeglang, Serang và South Lampung.
Theo BMKG, việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này.
Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.
Thảm họa sóng thần tối 22/12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua.
Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng./.