Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) vừa nhắc lại một loạt các khó khăn thách thức kinh tế mà Vương quốc Anh sẽ đối mặt nếu nước này rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, mà không có một thỏa thuận, thậm chí cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín dụng của nước này nếu kịch bản trên xảy ra.
Trong bản đánh giá mới nhất công bố ngày 1/4, S&P nói rằng một Brexit vô trật tự sẽ ảnh hưởng xấu đến mức thu nhập và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như "sức khỏe" tài chính của Chính phủ Anh.
S&P cũng cảnh báo rằng Brexit có thể "hạn chế đáng kể" khả năng của nước này trong việc tiếp cận các thị trường quan trọng ở châu Âu. Nếu điều đó xảy ra, S&P cảnh báo sẽ xuất hiện áp lực giảm giá đối với nhà đất, trong khi khoản nợ công có thể sẽ tăng đáng kể và đồng bảng Anh sẽ trượt giá sâu hơn nữa.
Cơ quan xếp hạng tín dụng này cảnh báo một kịch bản như vậy có thể khiến họ hạ bậc xếp hạng tín dụng dài hạn đang ở mức AA của nước Anh.
Trong một diễn biến liên quan, khảo sát kinh tế hàng quý mới nhất của Phòng thương mại Anh (BCC) cho thấy hoạt động xuất khẩu yếu đi và tình hình tài chính ngày càng tồi tệ đang đe dọa đến triển vọng của các công ty Anh, vốn cũng đã bị ảnh hưởng bởi những biến động chính trị xung quanh tiến trình Brexit.
Báo cáo của BCC, dựa trên kết quả khảo sát hơn 7.000 công ty tại nước Anh, đã đưa ra một bức tranh không mấy lạc quan về tình hình đầu tư cả trong lĩnh vực chế tạo và dịch vụ của nước này trước khi Brexit chính thức diễn ra. Theo đó, tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ, ước chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 tới nay.
Trong khi kế hoạch đầu tư của các công ty chế tạo và công ty dịch vụ trượt xuống mức yếu nhất trong hơn tám năm.
Hồi tuần trước, tại một hội nghị thường niên của BCC tổ chức ở London, ông Marshall đã kêu gọi các chính trị gia tìm được tiếng nói chung và đồng thuận về Brexit thay vì đuổi theo những yêu cầu không tưởng.
[Vấn đề Brexit: Kinh tế Anh tăng trưởng chậm nhất trong 6 năm qua]
Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May có thể được đưa ra hạ viện bỏ phiếu lần thứ tư trong tuần này. Bộ trưởng phụ trách Brexit của nước Anh Stephen Barclay đã gợi ý khả năng trên sau khi các nghị sỹ nước này tiếp tục bác bỏ bốn đề xuất lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Brexit, được đưa ra bỏ phiếu vào tối 1/4.
Theo nhận định của ông Barclay, nước Anh có thể tránh được việc trì hoãn kéo dài Brexit và rời khỏi "ngôi nhà chung" đúng thời hạn 12/4 nếu Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu lần thứ tư này. Ông khẳng định lập trường và quyết tâm đến cùng của Chính phủ Anh theo đuổi Brexit có thỏa thuận, với tuyên bố "giải pháp duy nhất hiện nay là tìm cách để nước Anh rời EU cùng với một thỏa thuận."
Theo kế hoạch, Nội các Anh sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay (2/4) để tìm cách đưa Anh rời khỏi EU với một thỏa thuận trong vòng 10 ngày. Ông Barcley cho rằng trong trường hợp các nghị sỹ đạt được sự nhất trí về một thỏa thuận trong tuần này, nhiều khả năng Anh sẽ tránh được việc phải tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới. Nước Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử này nếu tiến trình Brexit bị trì hoãn dài ngày.
Trong cuộc bỏ phiếu mới nhất này, Hạ viện Anh đã bác bỏ cả bốn đề xuất thay thế thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May gồm việc nước Anh ở trong liên minh thuế quan; quan hệ Anh-EU hậu Brexit theo mô hình Na Uy-EU hiện nay, hay còn gọi là đề xuất thị trường chung phiên bản 2.0; đề xuất trưng cầu dân ý và đề xuất cho phép quốc hội quyền ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.
Diễn biến này càng làm gia tăng bế tắc liên quan đến thỏa thuận Brexit, điều mà Chính phủ Anh đang nỗ lực đạt được trước ngày 12/4 để tránh kịch bản trì hoãn Brexit đến ngày 22/5.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ triệu tập cuộc họp Nội các vào ngày 2/4 để chính phủ đi đến một lựa chọn lịch sử chấp nhận Brexit "mềm" hay để nước Anh rời EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận./.