Ngày 17/2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard and Poor's (S&P) cảnh báo tình hình kinh tế Brazil tiếp tục tồi tệ hơn khi hạ mức xếp hạng tín dụng của nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới này từ mức BB+ xuống mức BB.
Quyết định trên của S&P đã phản ánh rõ nguy cơ quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục lún sâu vào suy thoái.
Theo hãng trên, tình trạng này sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao, kéo theo giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu, vốn là "xương sống" của kinh tế Brazil như quặng sắt, dầu mỏ và các sản phẩm nông nghiệp, giảm mạnh.
Số liệu thống kê cho thất tỷ lệ lạm phát đầu tháng Hai này của Brazil ở mức gần 11%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua và vượt xa mốc mục tiêu 6,5% mà ngân hàng trung ương nước này đề ra.
Trong một tuyên bố, hãng xếp hạng tín dụng của Mỹ nhận định rằng Brazil đang phải đối mặt với những thách thức về kinh tế và chính trị và chính phủ nước này cần có một lộ trình điều chỉnh trong dài hạn, đặc biệt trong chính sách tài chính. Theo S&P, với việc hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Brazil lần này, hãng cảnh báo sớm về nguy cơ Brasilia phải đối mặt với các quyết định tương tự trong tương lai.
Ngay lập tức, Chính phủ Brazil cho rằng mức xếp hạng của S&P không phản ánh đúng triển vọng nền kinh tế nước này phục hồi trong ngắn hạn. Trước những khó khăn kinh tế, chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff tiếp tục xem xét cân bằng ngân sách liên bang, đồng thời xây dựng kế hoạch nền tảng nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Cùng ngày, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Brazil sẽ suy giảm 3,5% trong năm nay, và đây là quốc gia có chỉ số tăng trưởng tồi tệ thứ hai thế giới sau Venezuela.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF cho hay nền kinh tế số một Mỹ Latinh, Brazil, sẽ tiếp tục suy thoái sâu và đây là mức giảm thứ hai trên thế giới sau Venezuela với mức âm 6%. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của cả hai quốc gia Nam Mỹ trong 85 năm qua kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Năm 2015, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Brazil suy giảm gần 4%, tuy nhiên con số chính thức sẽ được đưa ra vào tháng Ba tới. Trong số các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế suy giảm trong năm nay ở Nam Mỹ còn có Argentina, nền kinh tế thứ 3 Mỹ Latinh, với mức -0,7%.
Trước đó, Cơ quan Thống kê quốc gia Brazil (IBGE) cho biết trong năm 2015, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới đã lên đến 10,67%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua, gấp đôi chỉ tiêu 4,5% của chính phủ liên bang, trong bối cảnh nước này phải chật vật vượt qua một cuộc suy thoái kéo dài.
Theo IBGE, mức lạm phát 10,67% tuy cao nhất kể từ năm 2012 song vẫn thấp hơn dự báo 10,72% của thị trường và dự báo 10,8% của Ngân hàng Trung ương Brazil. Trong năm nay, dự báo tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn hơn 9% trong quý 1 và tiếp tục giảm xuống còn hơn 6% trong tháng 12/2016 và sẽ kết thúc năm tới ở mức gần 5%./.