Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 4,7%

Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng năm 2021, song chuyên gia của Standard Chartered vẫn đánh giá triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,5% xuống 4,7% cho năm 2021 và từ 7,3% xuống 7% cho năm 2022 do các chỉ số kinh tế suy yếu, dịch bệnh diễn biến trầm trọng và tiêm chủng vaccine còn chậm.

Tháng trước, ngân hàng này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 từ mức 6,7% xuống 6,5% đồng thời dự báo năm 2022 tiếp tục được duy trì ở mức 7,3%.

Theo Standard Chartered, trong trường hợp các ca dương tính với COVID-19 không được đưa vào vòng kiểm soát trong tháng Chín, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ tiếp tục suy giảm và Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất.

[Doanh nghiệp chèo lái ‘tay thuyền' sinh tồn trong dịch bệnh COVID-19]

Cũng theo các chuyên gia của Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ phục hồi trong quý 4 và hoạt động thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế quý 3 dự kiến sẽ chậm lại.  

Tình hình dịch COVID-19 có thể sẽ tiếp tục khiến cho dòng vốn đầu tư vào Việt Nam bị suy giảm trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực du lịch.

“Giống như các nền kinh tế khác tại châu Á và các khu vực khác trên thế giới, kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn,” ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ. 

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng Tám, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,5 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 55,6 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,8 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch COVID-19. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường, rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục