49 triệu bảng là con số mà Manchester City phải trả cho Liverpool để có được Raheem Sterling. Trong quá khứ, Real Madrid cũng bỏ ra 49 triệu bảng để có Zinedine Zidane từ Juventus, hay gần nhất tại Premier League, Chelsea bỏ ra tròn 50 triệu bảng để đưa Fernando Torres về Stamford Bridge.
Tại sao ở hiện tại, với một khoản tiền khổng lồ như vậy, Man City chỉ có được cầu thủ cỡ như Sterling?
Cầu thủ Anh đắt giá nhất trong lịch sử
Với mức phí chuyển nhượng này, Sterling đã chính thức trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục cũ của Andy Carroll chuyển từ Newcastle sang Liverpool với giá 35 triệu bảng vào mùa đông 2011.
35 hay 49 triệu bảng đều là những con số khủng khiếp, và thật khó có thể nói Sterling xứng đáng với mức giá kinh hoàng đó (Carroll thì hoàn toàn không).
Cựu tiền vệ Liverpool mới chỉ 21 tuổi, đã có khoảng ba mùa giải chơi nổi bật trong màu áo Liverpool, chưa từng vô địch Premier League, chưa từng thi đấu tại vòng knock-out Champions League, bị loại ngay từ vòng bảng World Cup 2014. Thành tích đáng kể nhất của Sterling chỉ là danh hiệu “Golden Boy 2014.”
Nếu có thứ gì đó từ Sterling khiến mức giá chuyển nhượng lên tới điên rồ ấy, thì đó chỉ có thể là... quốc tịch của cầu thủ này.
Cầu thủ người Anh từ trước tới nay có mức giá phi lý như thế nào ai cũng biết. Darren Bent chuyển từ Charlton sang Tottenham Hotspurs với giá cao hơn Thierry Henry từ Arsenal sang Barca. Luke Shaw từ Southampton sang Manchester United với giá 30 triệu bảng, trở thành hậu vệ biên đắt ngang ngửa... Daniel Alves từ Sevilla sang Barca.
Để dễ tưởng tượng, hãy lấy thương vụ chuyển nhượng nổi bật gần nhất của Premier League làm ví dụ, Bastian Schweinsteiger từ Bayern Munich sang Man United với mức giá 14,4 triệu bảng.
Schweini ở độ tuổi 30, đã từng vô địch Champions League, World Cup và hàng loạt các danh hiệu quốc nội. Nếu đội tuyển Anh vô địch World Cup, và tiền vệ quan trọng bậc nhất trong đội hình đó muốn chuyển câu lạc bộ ở độ tuổi 30 thì mức giá sẽ được đẩy lên cao tới đâu?
Là cầu thủ Anh, cộng với thị trường chuyển nhượng vốn dĩ đang rơi vào cơn bão giá, mức giá 49 triệu bảng cho Sterling đứng trên những lý lẽ đó bỗng trở thành điều... dễ hiểu.
Cơn thèm sự thừa nhận của người Anh
Cầu thủ có quốc tịch Anh luôn đắt. Đây giờ đã là một mệnh đề chứ không còn là câu hỏi.
Nếu có cái nhìn sâu về Premier League nói riêng và cả nền bóng đá Anh nói chung trong toàn bộ tiến trình lịch sử thì việc cầu thủ Anh bị đẩy giá lên tới mức vô lý thực chất chỉ là hệ quả của tư tưởng luôn coi mình là số một của xứ sở Sương mù.
Anh đã từng từ chối tham gia hai kỳ ba kì World Cup đầu tiên vào các năm 1930, 1934, 1938 vì cho rằng nền bóng đá xứ sở Sương mù đang ở trên đỉnh thế giới và chẳng việc gì phải hạ mình thi đấu với phần còn lại.
Hệ quả là tại World Cup 1950, đội tuyển Anh trong lần đầu tham dự ngày hội bóng đã lớn nhất thế giới đã bị đội tuyển Mỹ nhỏ bé làm bẽ mặt khi quật ngã với tỷ số 1-0, người ghi bàn cho Mỹ khi đó thậm chí chỉ là một anh chàng... rửa bát tại New York.
"Tam Sư" chưa từng vô địch Euro, mới chỉ vô địch World Cup đúng một lần khi tổ chức trên sân nhà, trong kỳ cúp thế giới có thừa sự tranh cãi. Hơn tất cả, người Anh thèm sự thừa nhận, xứ sở Sương mù là quê hương của bóng đá, vì thế họ cần một điều gì đó “số một thế giới”.
Premier League có thể khiến người Anh tự hào, cho dù Premier League không còn thống trị toàn bộ bóng đá châu Âu như cách đây 7, 8 năm nhưng xét về khía cạnh kinh tế nói chung, vẫn là số 1 thế giới. Tuy nhiên, đã từ quá lâu những người Anh không còn nắm quyền kiểm soát Premier League.
Những siêu sao ngoại quốc luôn tạo ra sự áp đảo từ số lượng cho tới chất lượng tại Premier League. 65% cầu thủ tại Premier League hiện tại không có quốc tịch Anh. Còn danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải của Premier League mới chỉ có 5/20 lần thuộc về những người Anh, người lần gần nhất đoạt danh hiệu này là Wayne Rooney mùa 2009-10, tức cũng đã 6 năm.
Vì lẽ đó, cầu thủ Anh cần phải đắt giá số 1 thế giới. Tất nhiên sẽ không có cầu thủ Anh nào đạt tới tầm đẳng cấp của những Lionel Messi, Cristiano Ronaldo để vươn tới mức phí trăm triệu bảng, những dạng cầu thủ như Sterling, Lallana hay sắp tới có thể là Jack Wilshere (nếu bị theo đuổi) đều sẽ được thổi giá lên kinh hoàng với hệ thống truyền thông cực mạnh của xứ sở sương mù. Giờ là 49 triệu bảng, sắp tới sẽ là 59, 60 triệu bảng, miễn là CLB theo đuổi cũng... thuộc Premier League.
Có thể hơi quá đáng, nhưng điều này có nét gì đó giống như một kiểu khuyết tật tinh thần điển hình.
Điều đáng ngạc nhiên là thế hệ vàng của bóng đá Anh bao gồm Frank Lampard, Steven Gerrard, David Beckham hay John Terry cho dù rất tài năng nhưng lại chưa từng chuyển câu lạc bộ khi đang trên đỉnh cao hoặc nếu có thì cái giá cũng hoàn toàn hợp lý (Becks sang Real từ Man United với giá xấp xỉ 23 triệu bảng).
Thế mới biết, chỉ người Anh mới có thể mua bán vô lý được với nhau./.