Sự chênh lệch về chỉ số thương mại điện tử có thể tiếp tục tăng

Chỉ số thương mại điện tử 2015 (EBI) cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương và xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới.
(Ảnh minh họa: Minh Tú/TTXVN)

Chỉ số thương mại điện tử 2015 (EBI) cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương và xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp đứng đầu chỉ số thương mại điện tử trong bốn năm qua và vượt xa tất cả các địa phương khác.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Minh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM ) tại lễ công bố chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2015 diễn ra ngày 29/1 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, EBI 2015 được xây dựng trên cơ sở điều tra khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước. Kết quả cho thấy, trong năm 2015 thương mại điện tử phát triển nhanh, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông.

Qua đó, thương mại điện tử trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế ở Việt Nam thể hiện qua một số doanh nghiệp hàng đầu về thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng trên 200%.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký VECOM đánh giá cao chỉ số thương mại điện tử 2015 cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp.

Đón bắt xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động đã trở thành công cụ quan trọng trong kinh doanh trực tuyến. Hiện đã có 26% doanh nghiệp có website tương thích với thiết bị di động và 18% có các ứng dụng di động phục vụ kinh doanh.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng việc triển khai thương mại điện tử theo chiều sâu. Đồng thời, dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng tốt đòi hỏi của thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm thỏa đáng tới hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Thêm nữa, hình thức mạng xã hội không chỉ là kênh chia sẻ thông tin mà nó đã trở thành một nền tảng giúp thương mại điện tử phát triển. Có 24% các doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội; trong đó có 16% cho biết hoạt động này mang lại hiệu quả cao.

Do vậy, căn cứ chỉ số thương mại điện tử 2015, VECOM đánh giá thương mại điện tử Việt Nam bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ 3 là giai đoạn phát triển nhanh. Hai giai đoạn trước là giai đoạn hình thành (1998-2005) và phổ cập (2006-2015).

 ​

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam thì báo cáo đã chỉ ra rằng quyền lợi của người tiêu dùng trực tuyến chưa được bảo vệ thỏa đáng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Điều này thể hiện qua việc có tới 42% người tiêu dùng lo ngại bị lộ thông tin cá nhân trong mua sắm trực tuyến. Đồng thời, có tới 81% khách hàng lo ngại chất lượng sản phẩm mua trực tuyến thấp hơn so với quảng cáo.

Đây là trở ngại lớn nhất với hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến trong những năm tới.

Chính vì vậy, phần lớn doanh nghiệp kinh doanh online đã có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân cho khách hàng; trong đó tỷ lệ các doanh nghiệp lớn quan tâm tới việc bảo vệ thông tin cá nhân cao hơn đáng kể so với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình bằng cách kiểm chứng thông tin các trang web, các sàn thương mại điện tử thông qua trang thông tin online.gov.vn trước khi ra quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục