Thế giới giờ đây đã quá phụ thuộc vào YouTube như một nguồn cung cấp video, đến nỗi mà người dùng Internet đã “điên cuồng” tìm kiếm các phương án thay thế trong suốt 90 “sập mạng” của “ông lớn” này.
Tầm ảnh hưởng khổng lồ của YouTube đối với người dùng trên toàn thế giới có lẽ được minh chứng rõ nét nhất khi trang chia sẻ video này đột nhiên biến mất.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ bị lỗi khiến người dùng trên toàn thế giới không thể truy cập sử dụng, đến gần 10 giờ sáng 17/10, mạng xã hội video lớn nhất toàn cầu YouTube đã hoạt động trở lại.
Tại nhiều nơi trên thế giới, người dùng đã thể hiện ý kiến bất bình về sự cố này. Theo thống kê, trung bình mỗi phút dịch vụ trực tuyến trên YouTube đăng tải khoảng 100 giờ nội dung video.
Do vậy, sự cố mất kết nối của Youtube cũng gây tổn hại cho các đơn vị, cá nhân hưởng lợi, đồng thời gây bất tiện cho những người thường xuyên xem thông tin trên trang mạng video này.
Tuy nhiên, đối với những đối thủ cạnh tranh của Youtube, sự cố trên như “lộc trời cho.”
[YouTube khôi phục truy cập nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân sập mạng]
Một ảnh chụp biểu đồ lượt truy cập của Vimeo và Dailymotion do Google Trends cung cấp cho thấy hàng loạt người dùng bắt đầu tìm kiếm hai trang mạng này ngay khi không truy cập được vào YouTube, và lượt truy cập vào Vimeo và Dailymotion đột nhiên tăng mạnh trong suốt khoảng thời gian “sập mạng” của Youtube.
Với 1 tỷ người dùng, YouTube là kênh cung cấp dịch vụ video lớn nhất thế giới và được coi là một trong những nền tảng mạng xã hội phổ biến khắp toàn cầu.
Và dù vẫn tồn tại những trang chia sẻ video khác, nhưng không một trang nào có thể cung cấp khối lượng nội dung khổng lồ như YouTube.
Hiện Google vẫn chưa công bố chi tiết nguyên nhân khiến YouTube bất ngờ bị “tê liệt.”
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia công nghệ có thể máy chủ của YouTube bị quá tải là nguyên nhân chính gây nên sự cố mất kết nối diện rộng nêu trên.
Theo phân tích của các chuyên gia dựa trên thông tin người dùng thông báo YouTube hiển thị lỗi “Error 503,” đây là lỗi mất kết nối do máy chủ bị quá tải.
Lỗi “Error 500” được hiển thị cũng thông báo trong trường hợp máy chủ bị quá tải và không thể xử lý được lượng truy cập.
Máy chủ của YouTube đặt tại San Bruno (bang California, Mỹ).
YouTube sử dụng công nghệ HTML5 để hiển thị nhiều nội dung video khác nhau, bao gồm các đoạn phim, đoạn chương trình trên truyền hình, ti vi, video ca nhạc, phim, clip nghiệp dư.../.