Sự kiện trong nước 10-16/7: WB đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

WB đánh giá kinh tế Việt Nam có triển vọng ổn định và Bộ Giáo dục công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Ngân hàng Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định và Bộ Giáo dục công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

WB: Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định
Chiều 13/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Công bố Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại buổi công bố, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện “sức dẻo dai” nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng của đất nước, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến.

Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách.

Báo cáo lần này ghi nhận, kinh tế Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, dần lấy lại đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2017, đồng thời khuyến nghị những lựa chọn chính sách nhằm củng cố khả năng ứng phó về kinh tế vĩ mô và xử lý những trở ngại tăng trưởng có tính chất cơ cấu.

Một nhà máy sản xuất nước giải khát của doanh nghiệp Nhật Bản ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: WB: Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Vương quốc Hà Lan
Từ ngày 8 đến 11/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức làm việc tại Vương quốc Hà Lan.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi với Thủ tướng Mark Rutte; gặp Chủ tịch Thượng viện Ankie Broekers-Knol và Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib; thăm cảng Rotterdam và làm việc với Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb; thăm Đại học và Trung tâm Nghiên cứu Wageningen; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan và Tọa đàm Bàn tròn Doanh nghiệp, tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Hà Lan.

Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng hài lòng ghi nhận quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển toàn diện và thực chất trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian gần đây, nhất là hợp tác trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy trong những năm qua, đặc biệt là việc triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước (ký năm 2010) và Thỏa thuận Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (ký năm 2014).

Hai Thủ tướng cũng thống nhất các phương hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phục vụ phát triển bền vững tại mỗi nước.

Hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hà Lan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan

Việt Nam tăng 12 vị trí về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2017.

Theo công bố Báo cáo xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay.

Trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp (gồm 27 nước), Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam đã đứng thứ ba, sau Singapore và Malaysia, trên Thái Lan.

Xưởng thực hành Tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xem thêm: Việt Nam tăng 12 vị trí về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017

Bộ Giáo dục công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học năm 2017
Ngày 12/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) năm 2017 cho tất cả khối thi là 15,5 điểm (tăng 0,5 điểm so với năm 2016), cao nhất trong vòng 13 năm qua.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, điểm trung bình các khối thi sau khi có điểm ưu tiên không khác nhiều so với năm 2016.

Năm nay cả nước có 865.975 thí sinh dự thi. Số thí sinh đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển đại học là 640.425 em. Tổng số chỉ tiêu đại học xét tuyển bằng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là 332.496.

Đến nay, các trường đại học đã bắt đầu công bố điểm xét tuyển đầu vào để thí sinh cân nhắc, thay đổi nguyện vọng cho phù hợp với năng lực, sở thích học tập. Hầu hết các trường đại học tốp trên đều lấy ngưỡng xét tuyển cao hơn mức điểm sàn trung bình từ 2,5 điểm trở lên.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Bộ Giáo dục công bố điểm sàn xét tuyển vào đại học năm 2017

Khách sạn cao cấp Việt Nam có xu hướng giảm giá phòng
Năm 2017, xu hướng của hầu hết khách sạn cao cấp tại Việt Nam sẽ giảm giá phòng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đây là nhận định được đưa ra sau cuộc Khảo sát ngành dịch vụ Khách sạn năm 2017 do Tổ chức Grant Thornton Việt Nam thực hiện được công bố vào chiều 11/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Khảo sát do Grant Thornton Việt Nam thực hiện năm 2017 tập trung vào các khách sạn cao cấp xếp hạng 4-5 sao tại Việt Nam và được phân tích ở 2 khía cạnh là xếp hạng sao và vùng miền.

Theo xếp hạng sao, giá phòng của khách sạn 4-5 sao trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 đều giảm.

Tiêu biểu như giá phòng bình quân cho khách sạn 5 sao giảm nhẹ từ 107 USD trong năm 2015 xuống còn 105 USD năm 2016. Giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2016 chỉ vào khoảng 75 USD, thấp hơn giá phòng năm 2014…

Khách sạn Mường Thanh Luxury Cà Mau. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Xem thêm: Khách sạn cao cấp Việt Nam có xu hướng giảm giá phòng

Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy "cục máu đông”
Lần đầu tiên có một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chính vì vậy nó đã trở thành tâm điểm của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Trong thời gian qua, việc chậm xử lý các khoản nợ và để nợ xấu ngày càng “chồng chất” là do các vướng mắc về các quy định liên quan đến luật làm cho tài sản giảm sút giá trị.

Đây là điểm nghẽn lâu năm mà chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo. Vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giới tài chính–ngân hàng có thể “thở phào” vì nhiều vướng mắc sẽ có cơ sở để giải quyết.

Tính đến 31/12/2016, tổng nợ xấu hiện nay là 10,08% trên tổng dư nợ, tức khoảng 600.000 tỷ đồng.Số nợ xấu này được ví von như "cục máu đông" của nền kinh tế, vì nó làm tắc nghẽn một lượng vốn lớn. ​

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy "cục máu đông”

Hơn 50% doanh nghiệp nhận định xu hướng kinh doanh tốt lên trong quý 3
Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê công bố, có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý 3 sẽ tốt lên so với quý 2 năm nay; 12% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Cũng theo kết quả điều tra, về xu hướng khối lượng sản xuất quý 3, có 53,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên so với quý 2; 10,6% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về xu hướng đơn đặt hàng quý 3 có khả quan hơn so với quý 2 với 47,7% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 11,2% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 41,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Hơn 50% doanh nghiệp nhận định xu hướng kinh doanh tốt lên trong quý 3

Việt Nam đạt thành tích kỷ lục tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2017
Cả 4 học sinh của đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2017 tại Thái Lan đều đoạt giải, trong đó có ba em đoạt huy chương vàng và một em đoạt huy chương bạc.

Đây là kết quả cao nhất của Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay. Cụ thể, đoạt huy chương vàng gồm các em Đinh Quang Hiếu (học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), em Nguyễn Bằng Thanh Lâm (học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, thành phố Hà Nội) và em Phạm Đức Anh (học sinh lớp 11, Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Em Hoàng Nghĩa Tuyến, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An đoạt huy chương bạc.

Các thành viên của đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam năm 2017. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Xem thêm: Việt Nam đạt thành tích kỷ lục tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2017

Bộ Y tế: Dịch sốt xuất huyết cảnh báo diễn biến phức tạp, nguy hiểm
Sáng 13/7, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đã có cảnh báo cần lưu ý có biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời với mùa dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến.

Theo ông Phu, bình thường tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trong tháng 7, tháng 8 thì năm nay ngay tháng 5, tháng 6 đã xuất hiện nhiều.

Trong 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã ghi nhận hơn 45.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ của năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%, số trường hợp tử vong tăng 2 trường hợp.

Bác sỹ khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Xem thêm: Bộ Y tế: Dịch sốt xuất huyết cảnh báo diễn biến phức tạp, nguy hiểm

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường 1 năm sau sự cố Formosa
Chất lượng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh, du lịch là đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau 1 năm xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Cụ thể, từ ngày 4 đến ngày 9/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Chương trình quan trắc để đánh giá lại hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung sau một năm xảy ra sự cố.

Kết quả từ các chương trình quan trắc nêu trên cho thấy, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước.

Ngư dân xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thu hoạch cá. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Xem thêm: Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường 1 năm sau sự cố Formosa

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục