Sự kiện trong nước 2-8/4: Bắt nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh

Bắt tạm giam nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh, băng giá bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Fansipan, Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội Sông Mekong là ba trong số những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.
Bắt tạm giam nguyên Trung tướng Phan Văn Vĩnh
Chiều 6/4, Bộ Công an ra thông báo chính thức về việc Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” liên quan đến vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố.”

Theo thông báo, căn cứ kết quả điều tra vụ án, có đủ căn cứ xác định, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can số 356 và ra Lệnh bắt bị can số 358 để tạm giam bốn tháng đối với Phan Văn Vĩnh (sinh năm 1955, tại Nam Định; nơi cư trú: 199 Hàn Thuyên, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Cùng ngày 6/4, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Văn Vĩnh.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Ông Phan Văn Vĩnh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội Sông Mekong quốc tế lần thứ ba
Từ ngày 4 đến 5/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Sông Mekong quốc tế (MRC) tại Siem Reap, Campuchia.

Với chủ đề “Một Mekong, một tinh thần chung,” Hội nghị cấp cao lần này đã thảo luận, đề ra những định hướng lớn, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, mở rộng sự hợp tác trong và ngoài Ủy hội MRC nhằm sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong Lưu vực sông Mekong, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030 của Liên hợp quốc ở mỗi quốc gia thành viên và trong cả khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, cùng các nhà lãnh đạo khác, Thủ tướng đã nêu một số kết quả lớn đạt được kể từ Hội nghị cấp cao Ủy hội MRC lần thứ 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014, qua đó, đã thể hiện rõ nét, hiệu quả thực tế của Hiệp định Mekong 1995, thúc đẩy gắn kết, điều phối vùng và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, các cơ chế hợp tác có liên quan trong khu vực…

Kết thúc hội nghị, Tuyên bố Siem Reap đã được thông qua. Sự tham gia chủ động và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại hội nghị được các nước, các đối tác ghi nhận, đánh giá cao.

Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, đã trao đổi ngắn với Bộ trưởng Trưởng đoàn Trung Quốc, về nhiều biện pháp, định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 3, tại Thành phố Siem Reap, Vương quốc Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Thành lập Trung tâm máu Quốc gia
Ngày 4/4, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Trung tâm Máu Quốc gia trực thuộc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, sự ra đời của Trung tâm là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành Truyền máu Việt Nam.

Việc thành lập Trung tâm Máu Quốc gia sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Truyền máu Việt Nam và theo kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Trung tâm Máu Quốc gia chính thức đi vào hoạt động sẽ đảm bảo được chức năng của một Trung tâm máu hoàn chỉnh; có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực vận động, tiếp nhận, điều chế, cung cấp máu. Trung tâm cũng là tiền đề phát triển Trung tâm Máu Quốc gia độc lập trực thuộc Bộ Y tế.

Nhân viên y tế vận chuyển máu về kho lưu trữ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hai nhà khoa học Việt Nam trong danh sách 100 nhà khoa học châu Á 2018
Tạp chí Asian Scientist (Singapore) vừa công bố danh sách “100 nhà khoa học Châu Á năm” 2018 (Asian Scientist 100), vinh danh tên tuổi những nhà khoa học hàng đầu trong khu vực, có thành tựu đóng góp ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu.

Trong danh sách này có hai nhà khoa học của Việt Nam là giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Sơn Nam (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) và phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Sum (Trường Đại học Quy Nhơn).

Danh sách “100 nhà khoa học Châu Á”được đưa ra hằng năm. Những người có tên trong danh sách đều đạt được giải thưởng quốc gia, quốc tế trong năm 2017 trong lĩnh vực khoa học về nghiên cứu hoặc quản lý.

Giáo sư, tiến sỹ Phan Thanh Sơn Nam được Tạp chí Asian Scientist vinh danh trong lĩnh vực Hóa học. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Sum được vinh danh ở lĩnh vực Toán học. Hai nhà khoa học đã nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong giảm nghèo
Ngày 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" cho thấy, tình trạng đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người, nhất là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm tới 13%, mức lớn nhất trong mười năm qua.

Ðây là kết quả rất đáng khích lệ, những nỗ lực tập trung tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số có thể gia tăng cơ hội cho họ và giảm sự bất bình đẳng kéo dài.

Hiện nay, 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới. Tầng lớp thu nhập này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.

Từ năm 2014, trung bình mỗi năm có 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Điều chỉnh thời gian tu bổ định kỳ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện việc điều chỉnh thời gian tu bổ định kỳ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ ngày 15/6-15/8 hàng năm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo về việc điều chỉnh thời gian tu bổ định kỳ Công trình Lăng hàng năm đến các bộ, ngành, địa phương và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biết, phối hợp thực hiện.

Các năm trước đó, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ dừng tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm để bảo dưỡng, tu bổ từ ngày 4/9 đến 4/12.

Hoạt động bảo dưỡng, tu bổ Lăng Chủ tịch và Đài tưởng niệm diễn ra hàng năm, thường sau dịp Quốc khánh, kéo dài hai đến ba tháng.

Thời gian này, các điểm tham quan trong khu di tích Phủ Chủ tịch như nhà sàn, ao cá, đường Xoài hay bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn mở cửa đón khách.

Đoàn Hành trình Đỏ vào Lăng viếng Bác. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Băng giá bất ngờ phủ trắng đỉnh Fansipan trong tháng 4
Ngày 7/4, do ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc mạnh từ phía bắc ào ạt tràn xuống Lào Cai từ ngày 5/4, nhiệt độ các khu vực đồng loạt giảm thấp gây ra băng giá trên đỉnh Fansipan (Sa Pa), vùng núi rét đậm, các vùng núi cao trời rét hại sâu.

Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, đây là hiện tượng thời tiết ít xảy ra trong nhiều năm qua.

Đỉnh Fansipan (cao 3.143m) nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Có thời điểm vào đêm nhiệt độ trên đỉnh Fansipan giảm sâu xuống -3 độ C.

Tại đây, tiết trời có mưa nhỏ, mưa phùn tạo điều kiện cho băng giá hình thành phủ trắng cành cây, bụi cỏ, chậu hoa cảnh khu du lịch Fansipan Legend. Khắp đỉnh Fansipan được bọc trong lớp băng trắng như giữa trời Đông giá rét.

Du khách đang tham quan đỉnh Fansipan rất bất ngờ và thích thú khi được chiêm ngưỡng băng giá xuất hiện vào tháng Tư.

Băng giá phủ trắng trên đỉnh Fansipan vào sáng 7/4. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Ba cây bằng lăng nước ở An Giang được công nhận là Cây di sản
Ngày 6/4, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức Lễ công nhận và gắn biển Cây di sản Việt Nam cho ba cây bằng lăng nước trong khuôn viên Miếu Bằng Lăng, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.

Ba cây bằng lăng nước trồng theo một hàng ngang sau Miếu Bằng Lăng, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa (L.) Pers.

Cả ba cây bằng lăng nước này rất quý hiếm và độc nhất, có tuổi đời trên 200 năm (một cây ở hướng Đông của Miếu có tuổi đời trên 215 năm; hai cây còn lại trên 305 tuổi); chiều cao trung bình hơn 8m, chu vi thân cây 4m (đo ở độ cao cách mặt đất 1,3m), khoảng cách 9m, tán mỗi cây rộng 6m. Đặc biệt, tán cây này không chồng lấn sang tán cây khác.

Bằng lăng nước trong khuôn viên Miếu Bằng Lăng đã gắn liền với lịch sử khai phá và phát triển của vùng đất Phú Lâm-Chợ Vàm nói riêng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nói chung; góp phần khẳng định quá trình khai hoang lập ấp, sinh sống của người dân vùng đất này.

Đặc biệt, ba cây bằng lăng này với thân cây to, có nhiều hốc lớn, từng là nơi giúp cán bộ cách mạng cất giấu tài liệu và lẩn tránh kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh.

Ba cây bằng Lăng được công nhân là Cây di sản Việt Nam. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục