Sự kiện trong nước 9-15/4: Tín hiệu tích cực từ kinh tế, du lịch

Non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, chôm chôm Việt Nam đặt chân vào New Zealand cùng nhiều tin vui khác về kinh tế xã hội đã diễn ra trong tuần vừa qua.
Khai mạc Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 10/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 23 để chuẩn bị các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ năm của Quốc hội sắp tới và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát biển; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đặc xá; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Dân số; Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; việc chuẩn bị Kỳ họp thứ năm của Quốc hội; báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016”; báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc thành lập đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng.

Sau khi điều chỉnh chương trình, dự kiến, Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kéo dài đến ngày 17/4.

Quang cảnh Phiên khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đối thoại với nông dân
Sáng 9/4, tại Hải Dương, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới."

Tại cuộc đối thoại, nhiều ý kiến phản ánh trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng về những vấn đề lớn, quan trọng và còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp nông thôn hiện nay, tập trung vào những vấn đề lớn như: thị trường cho nông sản và vốn cho nông nghiệp; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nông nghiệp, lao động nông thôn và hỗ trợ ngư dân bám biển; quy hoạch nông thôn, công nghệ nông nghiệp và đất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới và văn hóa nông thôn.

Bày tỏ ấn tượng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con nông dân tại buổi đối thoại cũng như những phần giải đáp cụ thể, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, kết luận buổi đối thoại đặc biệt với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi nông nghiệp, nông thôn là mặt trận quan trọng cần được đầu tư, phát triển.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sâu sát, phù hợp hơn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân, cho đất nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng bổ nhiệm 3 thứ trưởng
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, tại Quyết định số 396/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Tại Quyết định số 398/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tại Quyết định số 399/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Công Thành, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. (Nguồn: Baochinhphu.vn)
ADB, WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2008 theo hướng tích cực
Ngày 11/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á năm 2018. Theo đó, ADB dự báo Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,1% năm 2018.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Eric Sidgwick nhấn mạnh: được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.

Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo, xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

- Báo cáo Cập nhật Tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 12/4 nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam: tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô dự kiến tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn. Tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5% với khả năng tăng cao hơn ngoài dự kiến trong ngắn hạn, nhất là khi quá trình phục hồi trên toàn cầu vẫn diễn ra.

Mặc dù lạm phát vẫn dự kiến ở mức vừa phải nhờ môi trường giá cả toàn cầu thuận lợi, nhưng mức lương tăng mạnh có thể sẽ khiến cho lạm phát lõi tăng lên. Cán cân kinh tế đối ngoại dự kiến vẫn được củng cố nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu được duy trì mạnh mẽ...

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Lần đầu tiên xuất khẩu chôm chôm Việt Nam sang New Zealand
Ngày 10/4, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật , Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố xuất khẩu trái chôm chôm của Việt Nam sang New Zealand.

Như vậy, sau xoài và thanh long thì chôm chôm là mặt hàng nông sản thứ ba xuất khẩu được sang thị trường khó tính này.

Sự kiện này đánh dấu mốc trong quan hệ hợp tác về nông nghiệp giữa Việt Nam và New Zealand nói chung, đặc biệt là vấn đề thương mại nông sản nói riêng.

Quả chôm chôm vào được thị trường New Zealand - một trong những thị trường khó tính đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam; đồng thời khẳng định chất lượng của trái cây Việt Nam đã được cải thiện, bởi New Zealand là một thị trường kiểm soát rất nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch thực vật.

Người nông dân thu hoạch chôm chôm. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
UNESCO công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu
Vào 12 giờ 56 phút giờ Paris ngày 12/4, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 ở Paris, Pháp, đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.

Với danh hiệu này, Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 127 Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở 35 quốc gia.

Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300 km. Diện tích Công viên lên đến hơn 3.000 km2, là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau.

Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới.

Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Bên cạnh các giá trị thiên nhiên như diện tích, đặc điểm địa chất và đa dạng sinh học, khu vực này cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng cùng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng…

(Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Cư dân chung cư Carina tri ân Cảnh sát phòng cháy chữa cháy
Ngày 14/4, hơn 70 hộ dân sinh sống tại chung cư Carina, nơi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng hôm 23/3 đã có buổi gặp mặt với lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm bày tỏ sự tri ân đối với những người lính cứu hỏa đã tham gia chữa cháy, cứu người.

Buổi gặp mặt đã diễn ra ấm cúng, xúc động giữa người dân và các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, cư dân sống tại chung cư Carina cho biết, sau gần 1 tháng từ khi xảy ra thảm họa tại chung cư Carina, các hộ dân sinh sống tại đây đã dần ổn định cuộc sống, tạm quên đi những ký ức đau buồn.

Đối với những người dân may mắn thoát nạn, hình ảnh các chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Thành phố đã không quản hiểm nguy cứu người và tài sản cho bà con trong vụ hỏa hoạn vẫn im đậm trong tâm trí mọi người. Sự có mặt kịp thời, những hành động cứu người, hướng dẫn người dân thoát nạn của những chiến sỹ cứu hỏa đã giảm thiểu thiệt hại của vụ cháy.


Trung sỹ Lê Trường Sơn, lính trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quận 8, tham gia cứu nhiều người trong vụ cháy sáng 23/3 tại chung cư Carina. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Phát hiện thuốc chữa ung thư được làm từ bột than tre
Ngày 10/4, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế thành phố Hải Phòng khẩn trương xác minh, kiểm tra thông tin phản ánh về việc sản phẩm Vicana ung thư CO3 được làm từ bột than tre.

Chiều 12/4, lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng cho biết sẽ rút công bố chất lượng sản phẩm, công bố mỹ phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hồng Phong (thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, Hải Phòng) đồng thời ra thông báo cấm lưu hành các sản phẩm vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinaca.

Đồng thời, Sở Y tế cùng Công an quận Kiến An, Công an huyện An Dương tăng cường giám sát hoạt động của hai cơ sở này. Cùng với đó, Sở thành lập đoàn hậu kiểm đối với những nơi bán thực phẩm chức năng để niêm phong và thu giữ các sản phẩm sai phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinaca.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinaca đã nhập bột than tre từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Hồng Phong để sản xuất ra các sản phẩm Vinaca Vi5 (loại 874nl), Vinaca ung thư CO3.2, Baby Vinaca Vi6, Vinaca Activated Carbon đa dụng, Vinaca vi lượng (nhỏ mũi), Vinaca đa dụng và một số chất bột cùng chất lỏng không nhãn mác khác.

Các sản phẩm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vinaca sẽ bị cấm lưu hành do Công ty này khai báo đây là thực phẩm chức năng.

(Nguồn: laodong.vn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục