Sự thật về người phụ nữ tự khai bị lừa bán sang Trung Quốc

Hoàng Thị Bé nói bị "vợ bé" của bố bán sang Trung Quốc từ lúc 5 tuổi, sau đó trốn thoát về nước nhưng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng khẳng định hoàn toàn không có việc này.

Trước thông tin về người phụ nữ hơn 30 năm lưu lạc xa gia đình, ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, khẳng định hoàn toàn không có chuyện người phụ nữ này bị lừa bán sang Trung Quốc như thông tin một số báo nêu.

Theo kết quả xác minh, người phụ nữ này tên thật là Hoàng Thị Bé, sinh năm 1980, quê thôn Đồng Kênh, xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, hiện ở tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng.

Hoàng Thị Bé không bị mua bán sang Trung Quốc mà đi cùng mẹ. Sau đó, phía Trung Quốc trả lại Việt Nam qua Đại sứ quán và đã ở tại nhiều trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước.

[Hành trình trở về của người phụ nữ 28 năm bị lừa bán ra nước ngoài]

Theo ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi có thông tin trên báo chí về người phụ nữ lưu lạc bên Trung Quốc hơn 30 năm và mới trốn về Việt Nam, Trung tâm đã nhận được nhiều thông tin xác minh từ các tỉnh khác, qua đó biết rõ được sự thật về đối tượng.

Công an tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết đã có kết quả xác minh ban đầu về nhân thân người khai nhận là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc từ lúc 5 tuổi, trốn được về Đà Lạt sau hơn 30 năm lưu lạc.

Người phụ nữ này đã sinh sống tại ít nhất 4 trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước.

Cụ thể, từ ngày 15-30/6/2017, Hoàng Thị Bé được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình nuôi dưỡng, sau đó trả về địa phương là xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Tiếp đó, từ tháng 4-12/2018, Hoàng Thị Bé với tên là Lâm Hồng Hồng, được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk cưu mang nuôi dưỡng.

Tại đây, Bé sinh một người con, đặt tên là Lâm An Niên. Từ tháng 2 - 6/2019, Hoàng Thị Bé lấy tên là Trần Tuyết, được Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, Thành phố Hồ Chí Minh (đóng tại xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quảng, Bình Phước) tiếp nhận (từ tháng 2-5/6/2019).

Theo văn bản số 311/BC-TTXH của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đối tượng cũng được Trung tâm tiếp nhận nuôi dưỡng dưới tên Hoàng Thị (Liêm) Nghiêm.

Tuy nhiên, sau khi xác minh có dấu hiệu bất thường về nhân thân của người phụ nữ này, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã liên hệ với Công an xã Tam Kỳ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.

Công an xã Tam Kỳ xác nhận bố của Hoàng Thị Bé quê tỉnh Thái Bình, mẹ quê tỉnh Hải Dương, nhưng hiện nay không còn ở địa phương. Trước đây, Hoàng Thị Bé sống cùng ông bà ngoại (nay đều đã mất).

Khi được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình đưa về địa phương, Hoàng Thị Bé được mọi người cưu mang, giúp đỡ tiền của, việc làm, nhưng Bé không chịu làm ăn, đòi tiền hỗ trợ sau đó bỏ nhà đi lang thang.

Hoàng Thị Bé đã cung cấp thông tin thiếu chính xác cho các cơ quan chức năng những ngày trước, gây khó khăn cho việc xác minh nhân thân.

Theo ông Trần Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, hiện đối tượng sinh hoạt bình thường tại trung tâm.

Về thông tin cho rằng chị Bé đang mang thai 4 tháng, ông Thắng cho biết trung tâm chưa phát hiện việc này, khẳng định thời gian tới sẽ đưa chị Bé đi khám tại cơ sở y tế để có kết quả chính xác, và xem xét có chế độ chăm sóc riêng.

Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với công an xác minh làm rõ nhân thân và đưa chị Bé về địa phương khi hoàn tất hồ sơ.

Trao đổi với phóng viên, chị Bé có nguyện vọng tha thiết được trở về Trung tâm Bảo trở xã hội tỉnh Đắk Lắk để thăm con nhỏ.

Về phía Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Quyết Thắng cho hay sẽ tạo điều kiện để chị Bé được về thăm con vào thời gian thích hợp.

Trước đó, đêm 4/9, Công an phường 1, thành phố Đà Lạt tiếp nhận một phụ nữ khai là Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1980, quê quán Hà Nội), có bố tên là Nguyễn Văn Đại, năm nay khoảng 70 tuổi. Lúc lên 5 tuổi bị Nguyễn Thị Lan (vợ bé của bố) đón đi chơi, sau đó bị người này đưa qua Trung Quốc.

Theo lời khai của Nguyễn Thị Tuyết, từ năm 18 tuổi, Tuyết bị bà Lan ép buộc “đi khách” tại một động mại dâm. Năm 23 tuổi, Tuyết được bà Lan gả chồng. Nhà chồng có tới 7 người đàn ông và đều bắt Tuyết phục vụ tình dục.

Cũng theo khai báo của người phụ nữ này, sau khi sinh con được vài tháng, Tuyết tiếp tục bị bán vào động mại dâm ở Trung Quốc. Cuối tháng 8/2019, Tuyết gặp một người tên Na (khoảng 50 tuổi).

Theo gợi ý của bà Na, Tuyết đưa cho bà này 1.900 nhân dân tệ (khoảng hơn 6,2 triệu đồng) để được giúp đỡ trốn về Việt Nam. Cuối tháng 8/2019, bà Na đã đưa Tuyết trốn về Việt Nam bằng đường bộ.

Tuy nhiên, thay vì giúp tìm bố đang sinh sống tại Hà Nội, bà Na lại đưa Tuyết tới Đà Lạt.

Người phụ này còn cho biết, thời gian trốn từ Trung Quốc cho tới khi đặt chân tới Đà Lạt là 12 ngày. Đầu tháng 9/2019, bà Na đưa cho Tuyết vài bộ quần áo rồi bỏ đi đâu không rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục