Theo Daily Mail, một nhà khoa học người Autralia cho rằng sự thay đổi hình dạng của những đám mây có thể chỉ ra vị trí của chiếc máy bay mất tích MH370.
Nhà khoa học khí tượng thủy văn Aron Gingis cho biết có thể xác định đường đi của máy bay MH370 qua phân tích các hình ảnh vệ tinh chụp các đám mây, bởi hình dạng của mây thay đổi khi máy bay bay qua chúng.
Ông Gingis đã liên lạc với Cao ủy Malaysia Eldeen Husaini từ hồi đầu tháng Tư để xin được tham gia cuộc tìm kiếm nhưng đã bị từ chối. Do đó, Gingis đã gửi lời đề nghị tới Cục An toàn giao thông Australia (ATSB), nơi tỏ ra có hứng thú hơn.
Tuy nhiên do Gingis từ chối trả lời một số câu hỏi về kỹ thuật tìm kiếm của ATSB vì lo ngại chúng sẽ bị dùng cho mục đích thương mại, hai bên cuối cùng cũng không đạt được thỏa thuận nào.
Trong khi đó, Inmarsat, công ty viễn thông đang ở tâm điểm của cuộc tìm kiếm MH370 đã đưa ra một báo cáo tỏ ý hoài nghi về việc liệu chiếc máy bay có thực sự rơi xuống biển không.
Mặc dù đồng tình với việc MH370 đổi lộ trình và bay về phía Nam tới khi cạn nhiên liệu trên vùng biển Nam Ấn Độ Dương, Tây Australia nhưng bản báo cáo nhấn mạnh rằng "việc rất dễ gặp phải sai sót khi tái hiện đường bay cho thấy vẫn có một sự không chắc chắn rất lớn về vị trí cuối cùng của chiếc máy bay."
MH370 đã mất tích sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur cùng 239 người hôm 8/3. Chiếc máy bay đã gửi tín hiệu tới vệ tinh trên vùng biển Ấn Độ Dương của Inmarsat, và các chuyên gia phân tích của công ty này kết luận chiếc máy bay đã "tiếp tục bay vài giờ sau khi mất liên lạc."
Bộ trưởng bộ Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết tất cả đã làm mọi điều có thể để tìm chiếc máy bay mất tích. Ông cho biết: "Chúng ta phải tiếp tục hy vọng, vì đôi lúc hy vọng là tất cả những gì chúng ta có. Chúng ta sẽ tìm thấy MH370."
Các tàu tìm kiếm đã tới khu vực được nhận định là nơi máy bay rơi trên Ấn Độ Dương. Sử dụng các thiết bị dò tìm bằng sóng siêu âm ở độ sâu 100m so với đáy biển, các đội tìm kiếm đã lập được bản đồ của khu vực tìm kiếm rộng 60.000km2.
GO Phoenix, tàu tìm kiếm của Malaysia đã bắt đầu nhiệm vụ từ đầu tháng 10 trên một vùng rộng 1.200km2 tính đến nay.
Mặc dù đã triển khai lực lượng tìm kiếm lớn trên không và trên biển, hiện vẫn chưa tìm thấy một mảnh vỡ nào của MH370.
Các báo cáo từ những người tin là đã tìm thấy những mảnh vỡ trôi dạt vào bờ biển Australia vẫn được gửi tới, nhưng đều không chính xác.
Với giả thuyết những mảnh vỡ nếu có có thể đã trôi về phía Tây, Australia đã đề nghị cả Indonesia cùng để ý tìm kiếm vì có khả năng một số mảnh vỡ đã dạt vào bờ biển nước này. Cuộc tìm kiếm MH370 dự kiến sẽ kéo dài một năm.
Ông Tim Clark, giám đốc hãng hàng không Emirates nhận định MH370 đã bị chiếm quyền kiểm soát trước khi biến mất. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngành công nghiệp hàng không không coi vụ MH370 là "một bí ẩn không có lời giải đáp."
Trả lời phỏng vấn tạp chí Spiegel của Đức, ông Clark cho biết: "MH370 vẫn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất trong lịch sử và rất có thể nó sẽ xuất hiện trên National Geographic. Nhưng chúng ta không nên để mọi việc diễn biến như vậy. Chúng ta phải tìm ra nguyên do khiến chiếc máy bay biến mất"./.