Điện thoại "cục gạch": Niềm đam mê một thời và nỗi lo bảo mật

Sự trở lại của dòng điện thoại “cổ”: Không chỉ là hoài niệm

Nhiều người dùng tìm đến với các dòng điện thoại cổ không chỉ để sở hữu một sản phẩm gắn với "thời xa xưa" mà còn bởi nỗi lo canh cánh về bảo mật...
Những chiếc điện thoại "cổ" được nhiều người tìm mua. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Việc Nokia làm “sống lại” chiếc điện thoại di động cổ điển Nokia 3310 được người yêu công nghệ ở Việt Nam chờ đợi. Bởi bấy lâu nay, nhiều người vẫn còn tìm mua những “cục gạch” ấy để sử dụng để thỏa mãn niềm đam mê, nhưng cũng không ít người dùng bởi canh cánh nỗi lo bảo mật…

“Săn” điện thoại… đồng nát

Không chỉ là những chiếc điện thoại hạng sang, gần đây, nhiều người yêu công nghệ Việt lại tìm tới những chiếc điện thoại “cổ” với những tính năng đơn giản.

Sáng 10/4, tại quán trà đá ven đường Lê Thánh Tông (Hà Nội) có hai vị khách chuyền tay nhau những chiếc điện thoại cũ mang nhãn hiệu Sony Ericson, Nokia, Siemens, Motorola… Trò chuyện với phóng viên, một vị khách tên Hà cho biết đây là sản phẩm sưu tầm để thỏa mãn thú vui điện thoại “cổ.”

Cụ thể, những chiếc điện thoại di động này được sản xuất từ những năm 1992 tới 2005. Quan sát của phóng viên cho thấy, ngoài những chiếc điện thoại “cục gạch” màn hình đen trắng nói trên, người khách còn sử dụng chiếc điện thoại thông minh Blackberry Passpost...

Tìm hiểu, phóng viên VietnamPlus thấy cho dù các cửa hàng điện thoại cổ không nhiều và “chình ình” trên phố lớn, song vẫn không khó để cho người dùng tìm được một sản phẩm cho riêng mình.

Chỉ cần gõ cụm từ “điện thoại cổ” trên Google sẽ ra rất nhiều các cửa hàng bán điện thoại đời cũ với mức giá từ 200.000 đồng tới cả chục triệu đồng. Các mẫu máy được bán khá đa dạng như Nokia 1110i, Nokia 6100, Nokia 8800, Nokia 6600, Ericsson I888 World, Motorola V8-V9, V3i… Các sản phẩm bán ra đa phần đều là hàng đã qua sử dụng, được người bán bảo hành từ 1-3 tháng.

Một chủ cửa hàng có địa chỉ tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết đa phần người mua dòng điện thoại này là người ưa hoài niệm, muốn sử dụng những chiếc điện thoại mình đã từng dùng. Và, đa phần họ vẫn sử dụng smartphone làm công cụ liên lạc chính.

Trong khi đó, đại diện của cửa hàng bán điện thoại cổ Moti cho hay, “dế” của đơn vị này bán ra có main của Nokia còn phần vỏ thì có thể được thay đổi bởi nhiều chiếc điện thoại đều đã hỏng phần vỏ, thậm chí cả khung xương. Tuy không cho biết số lượng bán ra cụ thể, song phía Moti nói rằng sức mua của khách hàng là khá tốt.

Chiếc Nokia này có giá khoảng gần 30 triệu đồng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, một “cò” chuyên mua bán các loại điện thoại cổ dòng cao cấp như Vertu, Nokia 8800… cho biết, mức giá của các sản phẩm này từ 5 triệu đồng cho tới… gần 100 triệu đồng. Thậm chí có một vài chiếc dế lên tới vài trăm triệu đồng tùy chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Lý giải, anh cho biết nếu sản phẩm còn “zin” sẽ có giá cao, còn hàng 5 triệu đồng thường là bản dựng lại, có can thiệp của thợ nhiều. Sản phẩm được người dùng quan tâm và mua nhiều nhất khoảng từ 10-20 triệu đồng.

Hồi sinh huyền thoại

Mới đây, Nokia đã chính thức “hồi sinh” chiếc điện thoại “cục gạch” Nokia 3310 (sản phẩm đình đám của hãng vào năm 2000) với kỳ vọng làm sống lại dòng điện thoại đã lui vào dĩ vãng. Và thực tế, sự quan tâm của người dùng Việt với sản phẩm này đã tăng lên đáng kể.

Ông Trần Nguyên Trực, Phụ trách ngành hàng điện thoại của chuỗi siêu thị Thegioididong cho biết, hãng đã nhận được sự quan tâm tích cực từ phía người dùng với Nokia 3310 với việc hỏi trực tiếp ở siêu thị hoặc gọi lên tổng đài hỏi về sản phẩm. Dự kiến vào tháng Năm, sản phẩm này sẽ có mặt ở Việt Nam và ông Trực cho biết có thể Thegioididong sẽ nhập lô hàng đầu tiên lên cả chục ngàn sản phẩm. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là xu hướng bởi người dùng vẫn chuộng smartphone, nhưng là điểm sáng của thị trường.

Rõ ràng, việc “nhớ nhung” những chiếc điện thoại từng sử dụng mà những chiếc điện thoại cổ, qua sửa chữa vẫn đang chiếm được tình cảm của một bộ phận người dân. Thế nhưng, bên cạnh đó, còn một yếu tố nữa khiến nhiều người tìm đến với “quá khứ” đó là lý do bảo mật.

Theo lời của “cò” điện thoại cao cấp với phóng viên VietnamPlus, khách hàng bỏ ra vài chục triệu đồng mua điện thoại cũ đắt tiền thường là doanh nhân, viên chức. Họ sử dụng sản phẩm này một phần vì “đẳng cấp” thì yếu tố bảo mật thông tin cũng là điều người hướng tới.

Tuy nhiên, với những sản phẩm dòng cao cấp có giá rẻ, đối tượng sử dụng lại là người yêu thích sản phẩm cũ và thường dùng làm điện thoại thứ 2 sau smartphone.

Trong khi đó, đại diện Moti cũng cho biết nhiều người mua điện thoại này cũng vì lý do bảo mật. Do đó, bên cạnh chiếc điện thoại đắt tiền, các dòng sản phẩm cũ không kết nối Internet, định vị sẽ là sự lựa chọn an toàn cho người dùng.

Ngoài việc "hoài cổ," nhiều người còn tìm tới các dòng điện thoại đơn giản vì nỗi lo bảo mật. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Thực tế cho thấy, những mối lo lắng về bảo mật của người dùng là hoàn toàn có cơ sở, khi liên tục các hãng bảo mật, cơ quan quản lý đưa ra khuyến cáo về tình trạng mất an toàn thông tin, hacker nhắm tới smartphone như một mảnh đất màu mỡ để thu thập thông tin, chiếm đoạt tài khoản…

Song, một thợ sửa chữa điện thoại cũng khuyến cáo người dùng phải tìm tới các địa chỉ uy tín, có bảo hành để tìm mua sản phẩm cho mình, tránh trường hợp mua phải những chiếc điện thoại quá cũ, gây khó khăn trong việc sử dụng.

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần tỉnh táo để lựa chọn ra sản phẩm đúng là “đồ cổ” để tránh những rắc rối. Bởi lẽ, đã có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện những chiếc điện thoại “cỏ” có xuất xứ từ Trung Quốc cài sẵn mã độc, gửi tin nhắn tới đầu số nhằm thu lợi bất chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục