Chiều 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Sau 5 năm thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, với yêu cầu cấp bách giải quyết các vấn đề về môi trường ngày càng phức tạp trên phạm vi rộng, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép; một số sự cố môi trường lớn gây hậu quả nghiêm trọng như sự cố Formosa, dịch lớn xuất hiện như COVID-19, Chính phủ đã quyết định cần sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để tạo các căn cứ pháp lý quan trọng, bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn, kiểm soát các nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao tại các dự án đầu tư lớn, các hoạt động kinh tế-xã hội tập trung đông dân cư…
[Phát huy vai trò tôn giáo bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu]
Theo Tờ trình của Chính phủ, quản lý môi trường hiện nay mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho bảo vệ môi trường trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cách thức quản lý còn chú trọng nhiều về thủ tục hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhất trí với yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường trước bối cảnh thời gian qua nước ta đối diện với nhiều sự cố môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, mang tính khẩu hiệu hô hào.
Dự thảo luật lần này có 13 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi với nhiều quy định mới tiến bộ hơn trước. Tuy nhiên, những chính sách mới này để thực hiện đều cần có ngân sách và nhân lực phát sinh. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần làm rõ vấn đề này để Quốc hội có sơ sở xem xét kỹ lưỡng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mà Chính phủ trình với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo.
Đại biểu nhấn mạnh đại dịch COIDV-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức bảo vệ môi trường. Do vậy, dự thảo Luật lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Quan tâm tới các hành vi nghiêm cấm quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng cần cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng gây ô nhiễm môi trường.
Theo đại biểu, nếu ngăn chặn ngay từ đầu việc này thì các doanh nghiệp không cần tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra và giám sát.
Các quy định mới của dự thảo Luật sẽ kiểm soát chất lượng của các thành phần như đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học... với những nguyên tắc bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn như quy định về bảo vệ các thành phần môi trường đất, nước, không khí, biển, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, sức khỏe môi trường.
Nguồn thải vào môi trường phải được phân loại, quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và sức chịu tải của nguồn nước; phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trong từng thành phần môi trường; không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn đã không còn sức chịu tải; phân vùng môi trường trong quy hoạch các cấp; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương…
Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, các cơ quan có liên quan sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận thêm về dự án Luật này./.