Sửa Luật Quản lý thuế: Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ dễ thở hơn?

Thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân có thể là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, dài hơn 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp.
Sửa Luật Quản lý thuế: Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ dễ thở hơn? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân có thể là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, dài hơn 1 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng đề cập tới việc mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng cung cấp dịch vụ kế toán cho các đối tượng này.

Đây là một vài điểm dễ thở hơn vừa được đề cập trong dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Doanh nghiệp đỡ “đau”

Nói về những điểm mới trong dự thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho hay, một trong những thay đổi là sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế Thu nhập cá nhân.

[Bộ Tài chính có trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế?]

Theo quy định hiện tại, cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.

Để hỗ trợ người nộp thuế tổng hợp thu nhập trong năm trước khi thực hiện quyết toán thuế, giảm thiểu rủi ro, dự thảo Luật quản lý thuế đã sửa đổi thời hạn quyết toán thuế đối với cá nhân là 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với thời hạn quyết toán của doanh nghiệp).

Ý kiến này được bà Nguyễn Thái Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam tỏ ra đồng tình. Bà cho rằn, hiện việc nộp báo cáo trong vòng 90 ngày tạo nên “áp lực lớn” lên người nộp thuế.

Một điểm mới khác theo lãnh đạo Tổng cục Thuế là tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế. Theo quy định hiện hành, phạm vi của dịch vụ đại lý thuế chỉ làm thủ tục về thuế mà không được thực hiện các dịch vụ khác như: dịch vụ kế toán. Điều nảy nảy sinh bất cập là doanh nghiệp muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán, kê khai thuế thì buộc phải phải thuê hai đơn vị, một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán.

Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vì các đối tượng sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Đây là vấn đề mà theo bà Nguyễn Thị Thuận, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) là doanh nghiệp đang “đau.”

“Chưa mở doanh nghiệp đã phải nghĩ thuê bao nhiêu người, người làm chuyên môn, làm thuế, làm kế toán. Trong khi ấy, làm kế toán các bạn vừa ra trường không làm được trong khi lương cũng phải 5-7 triệu đồng rồi,” bà nói.

Bởi vậy, điều làm bà mưng là trong dự thảo lần này, điều thay đổi là mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế theo hướng bổ sung thêm cung cấp dịch vụ tư vấn thu và dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Qua đó, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể thuê một dịch vụ trọn gói cả thực hiện sổ sách và khai thuế.

Đề xuất hạn chế biện pháp “cực đoan”

Ở hướng khác, đại diện KPMG Việt Nam tỏ ra mừng vì đề xuất không tính tiền chậm nộp với trường hợp người nộp thuế thực hiện theo văn bản của cơ quan quản lý thuế.

Vị này lý giải, nhiều trường hợp doanh nghiệp tuân thủ, xin ý kiến cơ quan thuế trước khi thực hiện và làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra, bản thân cán bộ kiểm tra hoặc đơn vị địa phương không công nhận hướng dẫn trước đó và phạt doanh nghiệp.

Sự thay đổi theo đại diện KPMG Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp thấy tự tin hơn.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thì nêu lên, dự thảo lần này đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp qua những quy định minh bạch.

Bà lấy ví dụ về một đơn vị có những khoản thuế thiếu hoặc nộp thừa. Hiện tại, khoản thừa không vấn đề gì những thiếu sẽ bị phạt. Đây là vấn đề theo bà đang được xử lý trong lần bàn thảo này.

Bà Nguyễn Thái Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam cũng bày tỏ đây là vấn đề cần thay đổi. Theo bà, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nếu đơn vị nào có cả khoản nộp thừa và thiếu với cùng một sắc thuế thì cho phép thừa bù thiếu, không tính phạt cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều bà Thanh muốn đề xuất là về biện pháp cưỡng chế thuế. Một trong những biện pháp hiện tại theo bà “hơi cực đoan” là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Với việc hóa đơn bị treo, bà cho rằng, doanh nghiệp sẽ khó thực hiện hợp đồng nếu có trong khi đây chính là việc để doanh nghiệp có nguồn thu trả nợ.

Bà kiến nghị biện pháp mềm dẻo hơn hoặc chỉ sử dụng phương pháp trên với một số ít trường hợp.

“Với một số doanh nghiệp, việc họ chưa nộp thuế không phải vì sai mà còn cần nghiên cứu làm rõ. Nếu ta áp dụng biện pháp mạnh thì tôi không nghĩ có tác động tích cực trong khuyến khích doanh nghiệp nộp thuế,” đại diện Ernst & Young Việt Nam nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.