Sức dân ở nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh: Trường học chung tay chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch trên địa bàn, với chuyên môn đào tạo của mình, nhiều trường Đại học tại TP phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bằng nhiều cách.
Sinh viên ngành sức khỏe Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia tình nguyện, thực hiện ghi dữ liệu mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch trên địa bàn, với chuyên môn đào tạo của mình, nhiều trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bằng nhiều cách; trong đó, các mô hình hỗ trợ về mặt chuyên môn như chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người dân được nhiều trường triển khai.

Các hoạt động tình nguyện tham gia chống dịch cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều sinh viên trên địa bàn.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần

Thực tế, dịch COVID-19 kéo dài trong thời gian qua đã gây đảo lộn cuộc sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của người dân, nhất là những người đã và đang điều trị COVID-19.

Kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh mới đây cho thấy, việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian khá dài đã khiến nhiều người rơi vào lo âu, trầm cảm, căng thẳng, stress… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao. Trong đó, bệnh nhân, thân nhân, người lao động và học sinh - sinh viên là những nhóm dễ chịu tổn thương bởi dịch, họ có nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để vượt qua đại dịch.

Trước thực tế đó, đầu tháng 9/2021, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình “Vaccine tinh thần” nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

[TP.HCM: “Gia sư áo xanh” hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi COVID-19]

Chương trình tập trung 3 nhóm nội dung hoạt động chính, từ phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, đến hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19. Với sự tham gia của hơn 150 chuyên gia tham vấn, trị liệu, các chuyên viên tư vấn… chương trình đã tư vấn trực tuyến qua nhiều kênh thông tin, qua tổng đài; đồng thời cung cấp kiến thức phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sau hơn 3 tuần triển khai, mỗi ngày, bộ phận tư vấn của chương trình nhận được khoảng 400-500 trường hợp cần tư vấn về những vấn đề tâm lý từ thể nhẹ đến thể nặng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Hiện nay, cả nước đang dồn lực cho chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những liều vaccine này, người dân thành phố cần thêm những “mũi vaccine tinh thần” để gia tăng sức đề kháng cơ thể và tinh thần trước sự tấn công của đại dịch COVID-19.

Mỗi đợt dịch bùng phát, học sinh, sinh viên lại buộc phải ở nhà và học trực tuyến trong thời gian dài. Điều này đã khiến không ít em bị tổn thương sức khỏe tinh thần. Gần đây, nhiều trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các chương trình tư vấn tâm lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sinh viên nhằm các em giảm bớt nỗi lo, cân bằng cuộc sống trong đại dịch. Chuỗi chương trình này đã giúp sinh viên giải tỏa rất nhiều vấn đề căng thẳng về tâm lý, học hành, thi cử, việc làm…

Theo các chuyên gia tâm lý, trong mỗi người thường có những suy nghĩ tiêu cực, khi dịch bệnh xuất hiện, mọi người phải ở nhà nhiều hơn nên suy nghĩ về mọi việc trở nên tiêu cực hơn. Ngay cả khi không tồn tại đại dịch, vấn đề học tập và việc làm vẫn luôn là một nỗi lo âu thường trực của sinh viên, nhất là sinh viên năm cuối.

Ở góc độ tâm lý, chia sẻ cùng các bạn sinh viên trong vấn đề thích nghi với môi trường học tập, làm việc mới, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam Phân viện miền Nam, cho rằng các em nên kiểm soát được nỗi lo âu để không ảnh hưởng đến thể chất cũng như tinh thần, tránh để bản thân ngày càng mệt mỏi. Mỗi cá nhân hãy tự giải quyết và đối diện vấn đề, chỉ có đối mặt với vấn đề mới tìm ra được hướng đi mới cho mình. Ngoài ra, các em có thể nhờ đến sự trợ giúp từ những người thân, các trung tâm tư vấn tâm lý, hỗ trợ sinh viên.

Tham gia tuyến đầu chống dịch

Từ đầu tháng Sáu đến nay, em Ngọc Thùy, sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên, Phân viện miền Nam, thành phố Thủ Đức, đã trải qua rất nhiều vị trí công việc của tình nguyện viên tham gia chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều nỗi lo khi ba em mới mất do bệnh nặng, mẹ em sức khỏe không tốt, nhưng nghe tin dịch bệnh ở Thành phố diễn biến phức tạp cần sự chung tay của tình nguyện viên, Ngọc Thùy đã quyết định từ quê Cà Mau trở lại Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia. Ngọc Thùy cho biết mẹ em rất lo lắng, nhưng vì thương và tôn trọng quyết định của em nên mẹ đã âm thầm ủng hộ.

“Công việc của một tình nguyện viên đã cho em nhiều trải nghiệm, trong đó không ít lần tiếp xúc gần với các trường hợp F0, F1, cảm giác hồi hộp, lo lắng nhưng em vẫn tự trấn an mình và động viên mọi người để cố gắng. Hay việc mặc đồ bảo hộ nhiều tiếng đồng hồ, mồ hôi ra ướt đẫm, dù khát cũng không dám uống nước vì nhiều nguy cơ dịch bệnh... giúp em hiểu được nỗi vất vả của đội ngũ y bác sỹ ngày đêm thực hiện công tác chống dịch. Nhiều vất vả, lo lắng nhưng việc làm này giúp em nhận thấy nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Em vui vì được góp sức nhỏ bé của mình cùng cộng đồng chống dịch,” Ngọc Thùy cho biết.

Cũng như Ngọc Thùy, khi dịch bắt đầu bùng phát trở lại, nhận được thông tin tuyển tình nguyện viên hỗ trợ phòng, chống dịch của thành phố, Quỳnh Mai, sinh viên Trường Đại học Văn Lang lập tức đăng ký tham gia. Quỳnh Mai cho biết, từ đầu tháng 6 em bắt đầu tham gia tình nguyện tại quận Gò Vấp, Bình Tân… để hỗ trợ công tác chống dịch. Công việc chính của các tình nguyện viên như em là hỗ trợ công tác lấy mẫu như nhập liệu, điều phối, hướng dẫn người dân quy trình lấy mẫu xét nghiệm.

Quỳnh Mai chia sẻ mỗi ngày tình nguyện viên làm việc theo ca 6-7 tiếng. Dù vất vả nhưng từ các y bác sỹ đến tình nguyện viên đều động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc. Động lực lớn khiến các tình nguyện viên hăng hay làm việc, đó là tình cảm quý mến của người dân dành cho lực lượng chống dịch, là sự căng mình chiến đấu của đội ngũ y bác sỹ vì sự an toàn cho người dân.

Đặc biệt, nhiều trường có đào tạo về lĩnh vực sức khỏe đã triển khai chương trình kêu gọi sinh viên, giảng viên tình nguyện tham gia chống dịch. Từ khi dịch bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã huy động gần 100 sinh viên khối ngành sức khỏe, tình nguyện tham gia chống dịch tại thành phố.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế An Giang tham gia tình nguyện hỗ trợ thành phố Châu Đốc. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tiến sỹ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ trường đã cử các em sinh viên thuộc các ngành Y khoa, Y học dự phòng, Điều dưỡng đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để tham gia công tác chống dịch theo điều động. Trong số đó, có cả những em mới học năm 2, 3 chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Nhưng các em đã bước vào cuộc chiến chống dịch với tinh thần cống hiến và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đây cũng là dịp để các em có điều kiện tiếp cận thực tế, áp dụng kiến thức đã học vào công tác phòng, chống dịch bệnh của cả cộng đồng.

Là một trong những trường đào tạo ngành sức khỏe lớn của Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã triển khai nhiều chương trình chung tay với công tác phòng, chống dịch tại thành phố. Nhằm chăm sóc F0 tại nhà, cuối tháng Tám vừa qua, Trường đã triển khai mô hình Tổ Y tế từ xa với sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên, y bác sỹ, sinh viên năm cuối của trường.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết nhằm góp phần chung tay cùng người dân thành phố đẩy lùi dịch bệnh, Trường đã đưa vào hoạt động mô hình này để hỗ trợ theo dõi các trường hợp F0 nhẹ đang cách ly tại nhà. Theo đó, các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng, cần can thiệp y tế chuyên sâu, Tổ Y tế từ xa sẽ báo động đến các bộ phận chuyển bệnh tại địa phương.

Cùng với mô hình này, thời gian qua, trường đã triển khai nhiều mô hình tham gia phòng, chống dịch như Đội hình taxi cấp cứu chuyển bệnh, Tổng đài 115 và Trung tâm cấp cứu 115 chuyên nghiệp với nhiều sinh viên tham gia.

Mới đây, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục thông báo tuyển tình nguyện viên cho các đội hình lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ công tác tiêm chủng và chăm sóc, điều trị F0 tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19.

Với các nguồn lực, khả năng của mình, rất nhiều trường Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đồng hành, chung sức cùng với thành phố tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 như nhường ký túc xá, trường học, tham gia các hoạt động chuyên môn về y tế, điều trị, tư vấn tâm lý cũng như huy động, vận động sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện. Tất cả đều có chung mong muốn dịch COVID-19 sớm qua đi, hoạt động dạy và học nói riêng và cuộc sống của người dân, đất nước nói chung trở lại trạng thái bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục