Sức dân ở tâm dịch TP.HCM: Những "chiến sỹ" xung kích tại cơ sở

Các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tại TP.HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong phòng, chống dịch tại cơ sở, hướng đến mục tiêu kiểm soát dịch, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Sức dân ở tâm dịch TP.HCM: Những "chiến sỹ" xung kích tại cơ sở ảnh 1Các tình nguyện viên tổ COVID-19 cộng đồng phường Đa Kao (Quận 1) hỗ trợ công tác ghi dữ liệu xét nghiệm COVID-19 tại Trạm y tế phường Đa Kao. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng,” tích cực tham gia vào các hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm và các nhu cầu thiết yếu của người dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, điều phối người dân thực hiện giãn cách xã hội, xét nghiệm lấy mẫu và tiêm phòng COVID-19. Qua đó, góp phần quan trọng để công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đạt hiệu quả.

Lực lượng xung kích

Tại điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, Quận 1) trong những ngày cao điểm thực hiện việc tiêm chủng cho người dân, ngoài đội ngũ nhân viên y tế còn có sự hiện diện của những thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng phường Đa Kao.

Các thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng tất bật hỗ trợ người dân xếp hàng, thực hiện giãn cách; giúp lực lượng y tế tiếp nhận và nhập dữ liệu người đến tiêm; hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế, tuân thủ các nguyên tắc 5K; theo dõi sức khỏe sau tiêm để báo với nhân viên y tế trong trường hợp xảy ra sự cố.

Chị Trần Bùi Thanh Thủy, thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng phường Đa Kao (Quận 1) chia sẻ khó khăn của các thành viên trong tổ tình nguyện khi hỗ trợ tại các điểm tiêm chủng thường là khâu điều phối, giãn cách và khai báo y tế do tâm lý nhiều người dân muốn được tiêm nhanh nên đã tập trung đông tại khu vực chờ tiêm. Nhiều người chờ lâu nên đã quay sang trò chuyện, tán gẫu với người bên cạnh, không đảm bảo an toàn phòng dịch.

Một số người thiếu giấy tờ tùy thân, nhiều người cao tuổi ghi không chính xác thông tin về bệnh nền, dị ứng trong tờ khai y tế… “Những lúc như vậy, tình nguyện viên phải kiên nhẫn vận động, giải thích để người dân hiểu và tuân thủ quy định phòng chống dịch,” chị Thủy nói.

[Sức dân ở tâm dịch TP.HCM: Chuyện 0 đồng và nghĩa tình giữa mùa dịch]

Bà Đặng Thị Kim Trang, thành viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng 38 (khu phố 4A, phường Bình Thuận, Quận 7) tham gia từ những ngày đầu thành lập tổ. Hàng ngày, bà Trang đều bận rộn với công tác hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong việc lập danh sách người dân xét nghiệm, truy vết các ca nhiễm hoặc các trường hợp liên quan đến ca nhiễm COVID-19; phụ giúp chính quyền trong thiết lập khu cách ly, phong tỏa; tuyên truyền phòng chống dịch và giám sát về y tế cho người dân…

“Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhân sự của địa phương không thể bao quát đến từng hộ dân. Không ai gần gũi và hiểu người dân bằng chính họ. Tôi tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng cũng mong san sẻ bớt gánh nặng với chính quyền và các lực lượng tuyến đầu, hỗ trợ bà con hàng xóm và địa phương trong thời điểm ngặt nghèo này,” bà Trang chia sẻ.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi người dân khu phố thực hiện giãn cách ở trong nhà, bà Trang cùng các tình nguyện viên trong Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng chủ yếu có mặt ngoài đường, trên xe lúc nào cũng treo vài hộp khẩu trang, nước xịt khuẩn.

Bà ghi chú lại nhu cầu của từng hộ dân để sắp xếp hỗ trợ kịp thời. “Khó khăn nhất của các tình nguyện viên là động viên tinh thần, trấn an tâm lý và hỗ trợ các nhu cầu của người dân khi thời gian giãn cách kéo dài. Dù đôi khi công việc có áp lực nhưng với nhiệt huyết, tinh thần chung tay vì cộng đồng, các tình nguyện viên ai cũng vui vẻ góp sức mình cùng tuyến đầu chống dịch,” bà Trang tâm sự.

Cả nhà tham gia Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng

Đã nhiều tuần qua, các thành viên trong gia đình bà Phạm Thị Ngọc Lan (trú tại phường 10, Quận 4) hiếm có bữa cơm nào quây quần đầy đủ bên nhau bởi mọi người đều hăng hái tham gia chống dịch từ sớm đến tận khuya mới về. Con trai là chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đang cùng với đồng đội ngày đêm túc trực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Bà Lan cùng con gái là thành viên của Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng phường 10 (Quận 4), phụ trách công tác tiếp nhận và phân chia lương thực, thực phẩm cho người dân.

Sức dân ở tâm dịch TP.HCM: Những "chiến sỹ" xung kích tại cơ sở ảnh 2Công nhân vệ sinh môi trường thành phố thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi thu gom rác thải từ khu phong tỏa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Mỗi ngày, bà cùng con gái có mặt tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường từ rất sớm để cùng các thành viên trong tổ tiếp nhận thực phẩm, sau đó phân chia thành từng túi để chuyển đến cho người dân ở các khu vực phong tỏa, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Do lương thực chuyển đến đều là các loại thực phẩm tươi sống, tổ công tác phải tranh thủ bốc dỡ và phân chia nhanh để khi đưa đến tay người dân không bị hư, héo. Có những ngày, các tình nguyện viên phải sắp xếp các phần lương thực đến tận khuya để kịp chuyển đến cho người dân vào sáng sớm.

Để cùng đồng hành, chia sẻ với nhau trong công tác vì cộng đồng, nhiều gia đình cả vợ và chồng cùng đăng ký tham gia các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trong đó có không ít cán bộ hưu trí, đảng viên.

Vợ chồng ông Vũ Hoàng Ninh và bà Hà Thị Hồng Liên (cùng 60 tuổi), đảng viên là tình nguyện viên Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng của khu phố 3, Phường 13 (Quận 4) từ đầu đợt dịch lần thứ 4. Ông Ninh chia sẻ, đại dịch COVID-19 bùng phát, người dân hạn chế ra đường khiến nhu cầu về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên, lực lượng tuyến đầu rất vất vả để đáp ứng.

Hàng ngày, từ sáng sớm, vợ chồng ông Ninh đã mặc bộ đồ bảo hộ y tế đi khắp khu phố để gửi gạo, thịt, thuốc hạ sốt, nước sát khuẩn cùng nhiều vật dụng sinh hoạt cá nhân khác cho người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa. Khi gặp những trường hợp cấp bách, trong khả năng của mình, vợ chồng ông dùng ngay tiền cá nhân để mua nhu yếu phẩm, thuốc… hỗ trợ người dân.

“Công việc này cơ bản không kể giờ giấc vì bất cứ khi nào có người dân gọi điện thoại nhờ là vợ chồng tôi lại đi ngay. Có khi đang ăn dở bữa cơm cũng dừng lại vì có gia đình báo trong nhà hết gạo hoặc có người bệnh sốt cao cần thuốc,” ông Ninh tâm sự.

Đồng hành với chồng suốt thời gian qua, bà Liên cho biết: Nhiều người quen thấy chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với các hộ nhiễm và nghi mắc COVID-19 nên khuyên chúng tôi xin nghỉ. Nhưng tôi tâm niệm rằng, dịch bệnh khiến bao gia đình gặp khó khăn, nếu ai cũng sợ, lấy ai giúp đỡ người dân. Hơn nữa, bản thân chúng tôi là đảng viên càng phải tiên phong gương mẫu, góp sức cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.”

Cầu nối giữa chính quyền và nhân dân

Quận 7 là một trong những địa phương thành lập Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng sớm nhất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quận 7 đã có 564 tổ với 1.432 thành viên (mỗi tổ có từ 2-3 thành viên).

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Quận 7, ngay khi địa bàn xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên, quận đã điều phối các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân phòng, chống dịch, thực hiện nguyên tắc 5K.

Các tổ thường xuyên thăm hỏi tình hình sức khỏe người dân tại các vùng bị phong tỏa, cách ly y tế; giám sát, phát hiện và báo cáo ngay các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm bệnh với chính quyền địa phương. Các tổ còn tích cực tham gia bảo vệ vùng xanh, xây dựng vùng an toàn về dịch và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân.

“Qua đợt dịch gần đây, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã thể hiện là lực lượng không thể thiếu trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Họ là lực lượng bám địa bàn, gần dân nhất nên là cầu nối hiệu quả nhất của địa phương với nhân dân,” ông Nguyễn Văn Tuyền đánh giá.

Là địa bàn đông dân cư, quận Gò Vấp đã kích hoạt các Tổ phòng, chống COVD-19 cộng đồng ngay khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7/2021.

Ủy ban nhân dân các phường ra quyết định thành lập Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng theo từng tổ dân phố gồm 3-5 tình nguyện viên là tổ trưởng, tổ phó dân phố, người dân… có sức khỏe tốt, có trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác phòng, chống dịch.

Qua thời gian hoạt động, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng đã phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân, nhắc nhở các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình; hướng dẫn người dân theo dõi sức khỏe và khai báo y tế điện tử hàng ngày.

Đồng thời thăm hỏi, giám sát và báo cáo với chính quyền địa phương những trường hợp nghi mắc COVID-19 tại hộ gia đình; hỗ trợ chính quyền địa phương truy vết những trường hợp liên quan đến các ca nhiễm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Vai trò của các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng rất quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Các tổ này sẽ là lực lượng thường trực, hỗ trợ giám sát về dịch tễ với các cụm dân cư tại cơ sở.”

Theo Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 24.644 Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với 65.332 thành viên. Thời gian qua, các tổ đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đây cũng là lực lượng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội trong các khu phong toả; nắm tình hình các hộ cách ly; kịp thời thông tin, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tham gia hỗ trợ các ca nhiễm hoặc liên quan đến ca nhiễm cách ly tại nhà, bảo vệ vùng xanh, góp phần rất lớn vào thành quả chung của công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.

Phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch,” thời gian qua, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh thuộc các Tổ phòng, chống COVD-19 cộng đồng đã tạm gác lại công việc gia đình để cùng sát cánh với các lực lượng tuyến đầu; thực hiện tốt việc nắm bắt tình hình nhân dân, giúp công tác chăm lo đời sống nhân dân trong mùa dịch của chính quyền các cấp sát với tình hình thực tiễn.

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong phòng, chống dịch tại cơ sở, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục