Sức hút hàng Việt đối với bà con dân tộc thiểu số ở Hà Giang

Các huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện đưa hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng.
Người dân lựa chọn đồ may mặc hàng Việt Nam. (Ảnh minh họa: Nguyễn Cường/TTXVN)

Là tỉnh vùng cao biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, đường giao thông đi lại đặc biệt khó khăn, nhất là mùa mưa bão, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế... song những năm qua, Hà Giang đã triển khai thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến 11 huyện, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thay đổi tập quán mua sắm tiêu dùng

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới là một trong những hoạt động chủ yếu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

10 năm qua, Cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận của cả cộng đồng và được tỉnh triển khai rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong nước, trong tỉnh; từng bước làm thay đổi tập quán mua sắm tiêu dùng của người dân và xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Các huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện đưa hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng.

Có mặt tại phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới" của huyện Mèo Vạc do Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến Công Thương thuộc Sở Công Thương Hà Giang phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Mèo Vạc triển khai, chúng tôi cảm nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây với hàng Việt.

Phiên chợ có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, 100% hàng hóa giới thiệu, trưng bày tại phiên chợ đều có xuất xứ Việt Nam, được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường và đảm bảo chất lượng tốt.

Chị Sùng Thị Mai ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc vui vẻ cho biết là người dân tộc Mông, khi biết tin có chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, chị dậy từ tờ mờ sáng và đi bộ gần chục km đến đây.

Mặc dù phải đi bộ quãng đường rất dài, nhưng chị rất vui và ấn tượng với không khí giao lưu văn hóa, giao thương rộn rã. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao đã được đem đến phiên chợ.

Nhờ có phiên chợ, chị không phải đi ra chợ huyện hay về tận tỉnh. Chị đã chọn được cho gia đình một số sản phẩm thiết yếu hàng Việt Nam phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt của gia với giá cả cũng rất hợp lý.

[Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Xóa 'điểm trắng' hàng Việt]

Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Phía Bắc và Đông Bắc của huyện giáp với Trung Quốc; phía Tây và Tây Bắc giáp huyện Đồng Văn (Hà Giang); phía Đông giáp với huyện Bảo Lạc (Cao Bằng); phía Tây và phía Nam giáp với huyện Yên Minh (Hà Giang). Đây cũng là huyện có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc. Chính vì vậy, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, biên giới được tổ chức ở đây thu hút đông đảo bà con dân tộc thiểu số không chỉ của xã Lũng Pù mà tất cả các xã lân cận trên địa bàn cũng đến tham gia.

Rất nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng như chăn, ga, gối, đệm, xoong, chậu lúc cần thiết bà con nơi đây phải đi bộ cả quãng đường rất dài ra chợ huyện Mèo Vạc mới mua được.

"Phiên chợ đã đưa sản phẩm hàng hóa về gần, giúp bà con vùng sâu, vùng xa mua sắm được hàng hóa chất lượng bền đẹp, giá cả phải chăng ngay tại xã mình," anh Ly Mý Pó một người dân ở xã Lũng Pù chia sẻ.

Tạo dựng niềm tin với hàng hóa trong nước

Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công-Xúc tiến Công Thương thuộc Sở Công Thương Hà Giang cho biết 10 năm qua, hàng chục phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới đã được tổ chức ở khắp các huyện trong tỉnh.

Trong những tháng cuối năm 2019, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các huyện, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các phiên chợ về vùng sâu, vùng xa.

Người dân mua sắm tại phiên chợ hàng Việt. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Nhìn chung, Ủy ban Nhân dân các huyện luôn tạo điều kiện và quan tâm đến chương trình và trở thành một trong những nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Đặc biệt, qua mỗi phiên chợ, ngày càng thu hút đông đảo bà con đến thăm quan, mua sắm, bước đầu tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết năm 2019 và những năm tiếp theo, Hà Giang sẽ phát huy tính quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước để hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm thúc đẩy sản xuất, cạnh tranh lành mạnh.

Tỉnh thực hiện các hoạt động bình ổn thị trường, giá cả đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá theo quy định của Nhà nước, nhất là trong những dịp lễ tết, bảo đảm ổn định về sinh hoạt và tiêu dùng cho nhân dân.

Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nội địa sạch, an toàn; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường liên kết theo chuỗi, phát triển hệ thống phân phối, kết nối cung cầu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và phát triển mạnh các sản phẩm nghề truyền thống, sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản của Hà Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục