Sức tiêu thụ chậm, người trồng hoa Tết tại Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng

Theo một số thương lái mua hoa, do năm trước nhiều thương lái thua lỗ do kinh doanh hoa Tết, tại các vườn có bao nhiêu hoa thương lái đều thu mua hết, đến khi ra thị trường thì lại bị ế ẩm.
Vườn hoa của gia đình anh Nguyễn Ngọc Trà, ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, đến nay mới tiêu thụ gần hết dù giá đã giảm khá nhiều. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Nếu như mọi năm đến 15 tháng Chạp âm lịch tại nhiều vườn trồng hoa Tết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tấp nập cảnh thương lái đến vận chuyển hoa đi khắp nơi tiêu thụ. Thế nhưng, trái lại năm nay là cảnh khá “đìu hiu”, trầm lắng tại các nhà vườn hoa.

Có mặt tại làng hoa Kim Dinh, thành phố Bà Rịa – làng trồng hoa Tết lâu đời nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với khoảng 20 ha của 156 hộ. Năm nay, thời tiết nắng nhiều rất thuận lợi cho hoa Tết phát triển. Thế nhưng, người trồng hoa đang rất lo lắng về thị trường tiêu thụ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mỹ Nữ, ngụ khu phố Kim Sơn, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa cho biết, vụ hoa Tết năm nay gia đình bà trồng 2.000 chậu, giảm gần 1.000 chậu hoa so với vụ Tết năm ngoái; trong đó, chủ yếu là hoa cúc đại đóa.

Nhưng đến nay, thương lái mới chỉ đặt mua 100 chậu hoa, cũng chưa đặt cọc tiền, dù giá hoa vụ Tết năm nay gia đình bà đã hạ từ 150 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/cặp (tùy loại kích cỡ).

Cụ thể, nếu như cặp cúc đại đóa kích thước lớn 1,2 m năm ngoái bà bán 3 triệu đồng, thì nay chỉ bán với giá 2,5 triệu đồng, những cặp hoa năm ngoái bán 300 nghìn đồng thì năm nay bán khoảng 150 nghìn đồng.

“Trồng hoa đã 8 năm nhưng chưa năm nào tôi thấy sức tiêu thụ hoa Tết chậm như năm nay, nếu như năm ngoái tầm này tôi đã tiêu thụ gần hết số chậu hoa trong vườn (3.000 chậu), thì năm nay vườn vẫn còn gần như nguyên vẹn. Vụ hoa Tết này, tôi đã bỏ ra 300 triệu đồng chi phí nên giờ như đang ngồi trên “đống lửa” vì lo lắng hoa không tiêu thụ được,” bà Nữ buồn rầu cho biết.

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hoa Kim Dinh, phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa hiện có 40 hộ, với khoảng 120.000 chậu hoa các loại như: Cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc kim cường, vạn thọ, mào gà, hoa hồng….

Anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hoa Kim Dinh chia sẻ, sức tiêu thụ hoa Tết tại làng hoa Kim Dinh năm nay rất chậm, nhiều hộ đến nay hầu như chưa tiêu thụ được chậu hoa nào, hộ nào có mối thương lái tốt mới tiêu thụ được khoảng trên 45%.

Gia đình anh Nguyễn Văn Long cũng trong cảnh tương tự, nếu như mọi năm anh trồng khoảng 8.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường Tết, thì năm nay nhận thấy tình hình kinh tế khá khó khăn nên gia đình anh đã chủ động giảm xuống còn 6.000 chậu.

Thế nhưng, đến thời điểm này, anh mới tiêu thụ được khoảng 30%, thay vì như mọi năm tầm này anh đã tiêu thụ hết số hoa vụ Tết. “Sức tiêu thụ hoa Tết rất chậm, khiến nhiều người trồng hoa đang khá lo lắng, hy vọng những ngày sắp tới thị trường sẽ ổn hơn,” anh Long hy vọng.

Vườn hoa của gia đình anh Mai Xuân Pha, ngụ tại làng hoa xã Láng Lớn, huyện Châu Đức năm nay trồng khoảng 3.000 chậu, số lượng tăng khoảng 200 chậu so với năm ngoái.

Theo anh Pha, vụ hoa Tết năm 2023, từ tháng 11 âm lịch là thương lái đã đi khắp vùng đặt cọc tiền trước để mua hoa, đến ngày 24 Tết các chậu hoa đã được thương lái vận chuyển hết ra khỏi vườn để đem đi các nơi tiêu thụ.

Thế nhưng, năm nay đến giờ vườn hoa nhà anh vẫn có khoảng gần một nửa trong số hơn 2.000 chậu hoa cúc vẫn đang chờ thương lái hỏi mua.

Theo anh Pha, theo tình hình thời tiết nắng nhiều như thế này thì đến ngoài 20 tháng Chạp hoa bắt đầu bung nở, nếu vẫn không có thương lái đến mua, gia đình anh phải tính đến phương án chở hoa đi tiêu thụ ở nơi khác.

Gia đình anh Anh Lê Ngọc Trà, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức trồng 3.700 chậu hoa, may mắn hơn các vườn khác là anh có các mối thương lái lâu năm nên sức tiêu thụ tốt hơn.

Thế nhưng, đến nay trong vườn anh vẫn chưa thể tiêu thụ hết số chậu hoa đang trồng. “Chưa năm nào người trồng hoa lo lắng như năm nay, dù giá đã giảm so với năm ngoái. Các năm trước đây, giờ này còn rất ít vườn còn hoa để bán lẻ,” anh Trà chia sẻ.

Tại làng hoa xã Láng Lớn, huyện Châu Đức hiện nay có khoảng 50 hộ trồng hoa, với diện tích khoảng gần 30ha, khoảng hơn 200.000 chậu hoa phục vụ Tết Nguyên đán, đây là làng hoa mới hình thành tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng gần 10 năm trở lại đây.

Tại làng hoa này, bà con chủ yếu trồng các loại hoa cúc đại đóa, cúc pha lê và hoa hồng. Việc trồng hoa phục vụ thị trường Tết nhiều năm nay đã đem lại nguồn thu nhập rất khấm khá cho nhiều hộ dân.

Thế nhưng, với tình hình tiêu thụ hoa chậm như năm nay khiến nhiều hộ dân đang như ngồi trên “đống lửa”, vì bao nhiêu vốn liếng, có nhiều hộ phải đi vay mượn ngân hàng để đầu tư vào vụ hoa Tết.

Theo một số thương lái mua hoa, do năm trước nhiều thương lái thua lỗ do kinh doanh hoa Tết, tại các vườn có bao nhiêu hoa thương lái đều thu mua hết, đến khi ra thị trường thì lại bị ế ẩm.

Cùng với đó, năm nay tình hình kinh tế suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm nên nhiều người dân rơi vào cảnh khó khăn, thắt chặt chi tiêu.

Không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần, các nhà vườn trồng hoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn hy vọng thị trường hoa sẽ sôi động hơn trong những ngày giáp Tết để họ có thể tiêu thụ hết số hoa đang trồng, có thu nhập đón cái Tết sung túc hơn.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100ha diện tích trồng hoa vụ Tết. Trồng hoa bán Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Từ ngày xuống giống đến lúc có hoa xuất bán phải mất thời gian từ 3 đến hơn 5 tháng (tùy loại).

Những chậu hoa đạt chất lượng đòi hỏi bông phải to, hoa nở đều vào đúng dịp Tết. Chính vì vậy, người trồng phải tỉ mỉ, dày công chăm sóc và phải biết áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích cây sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn. Vất vả để chăm hoa nên người trồng luôn mong một mùa thu hoạch bội thu, có thu nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục