Ngày 19/6, người đứng đầu Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo tại Sudan, Tướng Abdel-Fatah al-Burhan đã kêu gọi lực lượng đối lập khẩn trương nối lại đàm phán.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, phát biểu tại một địa điểm dành cho các nhân viên y tế ở thủ đô Khartoum, ông al-Burhan nhấn mạnh Sudan đã trong tình trạng không có chính phủ suốt 3 tháng qua, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và chính sách ngoại giao.
Tướng al-Burhan khẳng định TMC sẵn sàng đàm phán với Liên minh Tự do và Thay đổi - lực lượng nòng cốt của phe đối lập - cũng như các nhóm chính trị khác mà không kèm bất kỳ điều kiện nào, đồng thời kêu gọi phong trào này nối lại đàm phán trước ngày 20/6.
Ông hoan nghênh một cuộc đối thoại toàn diện nhằm đạt được một giải pháp đồng thuận, khẳng định TMC "không mong muốn tình hình trở nên mất kiểm soát" cũng như "chứng kiến thêm một cuộc đảo chính khác."
[Sudan: Liên minh vì tự do và thay đổi kêu gọi biểu tình vào ban đêm]
Lời kêu gọi của ông al-Burhan được đưa ra trong bối cảnh Liên minh Tự do và Thay đổi đang phát động người dân tiếp tục tiến hành biểu tình phản đối vào ban đêm ở các khu dân cư tại thủ đô Khartoum và một số vùng khác, bắt đầu từ ngày 18/6, để yêu cầu TMC chuyển giao quyền lực cho dân sự và bày tỏ phản đối vụ giải tán người biểu tình ngày 3/6 vừa qua.
Các phe nhóm biểu tình cáo buộc TMC đã sử dụng bạo lực giải tán cuộc biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 3/6, song TMC đã bác bỏ cáo buộc trên.
Hai bên cũng đưa ra con số nạn nhân thiệt mạng khác nhau.
Hãng thông tấn nhà nước Sudan SUNA dẫn lời một quan chức y tế cho biết ít nhất 46 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ gần đây, trong khi phe biểu tình cho rằng số người thiệt mạng đã lên tới 101 người.
Kể từ khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4, an ninh tại nước này vẫn bất ổn và hàng nghìn người dân biểu tình đòi TMC chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước.
Người biểu tình và TMC đã nhiều lần đàm phán nhưng chưa thống nhất được về những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao quyền lãnh đạo.
TMC muốn nắm quyền kiểm soát hội đồng chuyển tiếp này, trong khi lực lượng biểu tình muốn đa số thành viên hội đồng thuộc phía dân sự./.