Ngày 25/11, giao tranh giữa quân đội Syria và lực lượng thánh chiến tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại thành phố Raqqa ở miền Đông Bắc nước này đã khiến ít nhất 63 người thiệt mạng.
Kể từ khi thành phố Raqqa bị lực lượng IS chiếm đóng, quân đội Syria đã tăng cường các cuộc tấn công, không kích nhằm vào các cứ điểm của IS ở vùng Đông Bắc này.
Ngày 6/9 vừa qua, 53 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa hai bên ở Raqqa, trong đó có ít nhất 31 dân thường. Bên cạnh đó, liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS cũng tham gia tấn công nhóm phiến quân này tại Raqqa.
Cũng trong ngày 25/11, không quân Syria đã tiến hành 7 cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ ở tỉnh miền Nam Daraa của nhóm "Mặt trận al-Nusra," lực lượng nổi dậy có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda.
Các cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn ra cùng ngày ở Daraa giữa quân đội Syria và các nhóm cực đoan, trong đó một chỉ huy của nhóm nổi dậy Ansar al-Sharia đã bị tiêu diệt.
Bên cạnh đó, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng này.
Phát biểu tại thủ đô Tehran khi tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Umit Yalcin, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề châu Phi và Arab, ông H. Amir Abdollahian khẳng định Tehran và Ankara có vai trò chiến lược ở khu vực Trung Đông và cần giữ liên lạc về các vấn đề phát triển khu vực.
Iran ủng hộ giải pháp đối thoại quốc gia và phản đối việc các chính phủ nước ngoài trang bị vũ khí cho phe đối lập Syria. Ông Abdollahian đồng thời nhấn mạnh mọi giải pháp đối với các vấn đề ở khu vực, đặc biệt là Syria và Iraq, sẽ không thể có kết quả nếu không có sự tham gia của Iran.
Về phần mình, ông Yalcin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có chung quan điểm về tầm quan trọng của việc khôi phục hòa bình, ổn định cho khu vực, duy trì sự thống nhất lãnh thổ và an ninh, xóa bỏ chủ nghĩa khủng bố.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vốn mâu thuẫn về phương pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm qua ở Syria. Tehran đứng về phía chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Ankara ủng hộ lực lượng đối lập.
Tháng trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng nhận định việc thúc đẩy quan hệ Tehran-Ankara có lợi cho các hai nước và toàn khu vực./.