Ngành công nghiệp tái chế rác thải của Australia có thể thu thêm khoản lợi nhuận lên đến hơn 300 triệu AUD (khoảng 206,44 triệu USD) mỗi năm nếu áp dụng các hệ thống tái chế hiện đại theo tiêu chuẩn thế giới.
Ngày 12/9, báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ chuyên nghiệp EY ước tính, Australia có thể tạo ra vật liệu tái chế trị giá lên tới 328 triệu AUD (khoảng 225,73 triệu USD) mỗi năm, thay vì chỉ đạt 4 triệu AUD/năm (khoảng 2,75 triệu USD/năm) như hiện nay do các sai lầm trong hệ thống thu thập, phân loại và xử lý rác thải tái chế.
Đối tác phụ trách Phát triển bền vững và Thay đổi khí hậu của EY Terence Jeyaretnam cho rằng, Australia cần thay đổi và xử lý chất thải, đặc biệt là các loại vật liệu quặng sắt và than như các loại hàng hóa có thể giao dịch, thay vì chỉ coi chúng là các hợp chất bỏ đi.
Bà Jeyaretnam nói thêm cách phân loại rác thải của Xứ sở chuột túi đã không còn phù hợp với thế kỷ 21, dẫn đến ô nhiễm môi trường và làm vuột mất các cơ hội trị giá hàng trăm triệu AUD mỗi năm.
Theo báo cáo của EY, phương pháp phân loại rác thải tái chế hiện được áp dụng tại Australia đã làm giảm giá trị của mỗi thùng đựng rác tiêu chuẩn xuống mức 2 AUD/tấn rác. Nếu việc phân loại tái chế tại các hộ gia đình được sắp xếp tốt hơn, Australia có thể nhận được tới 156 AUD/tấn rác.
Báo cáo cho biết tỷ lệ ô nhiễm tại Australia trung bình nằm giữa ngưỡng 4 đến 16% vật liệu tái chế có thể thu thập được. Con số này lý giải vì sao các quốc gia trên khắp châu Á đóng cửa đối với chất thải của Australia.
Ngành công nghiệp tái chế của Australia đang gặp khủng hoảng sau khi một số quốc gia nước ngoài ngừng nhập khẩu rác thải tái chế của nước này và các nhà máy tái chế địa phương không đủ công suất xử lý kịp thời lượng rác thải ra mỗi ngày.
[Australia lên kế hoạch ngừng xuất khẩu rác thải tái chế ra nước ngoài]
Đầu năm nay, tập đoàn SKM, hệ thống xử lý tái chế rác thải lớn nhất của Australia, đã bị thất thu hàng triệu AUD sau khi các nhà quản lý đóng cửa một số nhà máy đang vận hành và việc xuất khẩu rác thải tái chế bị ngừng trệ.
Hội đồng bang Victoria, một trong hai bang đông dân nhất Australia, hiện đang phải trả tiền để đem rác thải tái chế đến các bãi rác thay vì xử lý chúng.
Báo cáo của EY khuyến nghị Australia cần tập trung nâng cao công tác giáo dục về ô nhiễm, thay đổi phương thức thu gom rác, cải thiện việc phân loại rác và phát triển thị trường mới cho các vật liệu có thể tái chế.
Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố sẽ làm nhiều hơn nữa để giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi trên các đại dương. Ông hứa sẽ cấm xuất khẩu rác thải nhựa, giấy, thủy tinh và lốp xe.
Theo Thủ tướng Australia,tại nước này chỉ có khoảng 12% nguyên liệu được tái chế đúng và ông muốn thay đổi thực tế này./.