Trang mạng eurasiareview.com đưa tin các cuộc thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế và quốc phòng luôn nổi lên là vấn đề an ninh nan giải.
Ngay cả ngày nay, khi sự phụ thuộc lẫn nhau đã kết nối các quốc gia theo nhiều cách, đời sống chính trị toàn cầu vẫn có xu hướng ủng hộ các quy tắc kiểu Machiavellian.
Do đó, nó được truyền bá mạnh mẽ rằng an ninh của quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh của kho vũ khí quân sự của quốc gia đó.
Rõ ràng, nghe có vẻ hoàn toàn hợp lý, để ngăn chặn kẻ thù thì phải có các thế hệ vũ khí mới với số lượng lớn. Nhưng nếu một quốc gia không có kẻ thù thì sao? Hoặc ít nhất là không có bất kỳ kẻ thù trực tiếp nào theo nghĩa chung của thuật ngữ này.
Một quốc gia như vậy có nên tập trung các nguồn lực của họ để xây dựng một khu vực phòng thủ hùng mạnh và tham gia một cuộc chạy đua vũ trang hay không?
[Tổng thống Philippines thông qua kế hoạch mua sắm quân sự khổng lồ]
Câu trả lời có thể thoáng qua trong tâm trí chúng ta là Không. Thật không may, điều này đúng trong trường hợp của các quốc gia Đông Nam Á. Trong vài năm trở lại đây, chi tiêu quân sự của các quốc gia ASEAN đã tăng gần gấp đôi. Đáng chú ý nhất là ngân sách quân sự của Thái Lan và Indonesia đã tăng nhanh tới 10%/năm.
Các quốc gia thành viên của ASEAN cũng đang tăng cường mua máy bay chiến đấu, tàu khu trục, máy bay trực thăng, tàu ngầm và những thứ tương tự.
Tình hình mới mẻ này trong khu vực có thể được xem xét từ 3 quan điểm khác nhau.
Thứ nhất, các quốc gia Đông Nam Á đã tăng chi tiêu quân sự do hậu quả của việc Mỹ rút khỏi khu vực dẫn đến những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng như toàn cầu.
Vì các quốc gia ASEAN nói chung có mối quan hệ hữu nghị và tinh thần chủ nghĩa khu vực rất phổ biến trong cả quan hệ song phương lẫn đa phương. Bên cạnh đó, các nước này nhìn chung vẫn có lập trường hòa bình trong các vấn đề thế giới.
Do đó, xem xét quan niệm đầu tiên này có vấn đề riêng của nó, có thể đúng ở một mức độ nào đó, rằng sự gia tăng chi tiêu (quân sự) gần đây là nhằm mục đích chống Trung Quốc, qua đó họ chia sẻ các mối quan hệ thân thiện, hoặc lấp đầy khoảng trống an ninh.
Thứ hai, một số chuyên gia cho rằng chi tiêu quân sự của các quốc gia Đông Nam Á là theo tỷ lệ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của họ, và vẫn ổn định trong giai đoạn này. Vì vậy, "sự gia tăng" này là bình thường.
Cuối cùng, theo một số học giả, chúng ta cần nhìn vào những loại vũ khí mà các quốc gia này đang thực sự mua để hiểu toàn bộ tình hình.
Các học giả này cho rằng các quốc gia này đã chi tiền cho việc "hiện đại hóa" vũ khí của họ, vốn hầu như không hoạt động trong nhiều năm.
Vì vậy, theo quan điểm này, sự gia tăng chi tiêu mua sắm vũ khí không gì khác hơn ngoài những nỗ lực thông thường để hiện đại hóa kho vũ khí của quốc gia.
Tuy nhiên, đây là nơi vấn đề thực sự được đặt ra. Tại sao các quốc gia tìm cách hiện đại hóa vũ khí của họ khi không có lý do rõ ràng như vậy và khi các loại vũ khí này đã "hiếm khi hoạt động trong suốt nhiều năm"?
Vũ khí, giống như các máy móc khác, cần được bảo trì, giám sát và điều chỉnh liên tục. Và tất cả những việc này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực. Ngay cả khi ngân sách quân sự của một quốc gia dựa trên GDP, việc mua sắm vũ khí hay hiện đại hóa lực lượng vũ trang, dù về mặt định tính hay định lượng, cũng đều không "có lý do chính đáng."
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đời sống chính trị quốc tế đã chứng kiến nhiều nỗ lực giải giáp, như các công ước về vũ khí hóa học hoặc sinh học, các khu vực phi hạt nhân hóa, Hiệp ước mua bán vũ khí hoặc Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đã đến lúc thay vì nâng cấp kho vũ khí thông thường thành vũ khí hiện đại, các quốc gia phải cùng hợp tác để phá vỡ quy tắc này.
Đặc biệt, các quốc gia Đông Nam Á, vốn không thể hiện sự đối kháng cả bên trong và bên ngoài khu vực, có thể bãi bỏ quy tắc sở hữu "vũ khí quân sự hiện đại," thứ rất có thể sẽ lại liên tục rơi vào tình trạng "hiếm khi hoạt động trong nhiều năm."
Hơn nữa, như đã đề cập trước đó, chúng ta đang nói về những thứ các quốc gia này đã và đang nhập khẩu. Tuy nhiên, việc hiện đại hóa vũ khí được định hướng như thế nào cũng quan trọng không kém, vì nhiều chiến lược quân sự của khu vực đang chuyển sự tập trung khỏi nổi dậy sang phòng thủ bên ngoài và chiến tranh thông thường.
Trong khi các yếu tố trong nước đóng một vai trò quan trọng ở đây. Chẳng hạn, Thái Lan đã tăng gấp đôi chi tiêu quân sự sau các cuộc đảo chính quân sự vào các năm 2006 và 2014. Và Myanmar đã biện minh cho việc tăng cường vũ khí với lý do phải đối phó với các nhóm nổi dậy khác nhau ở trong nước. Mặc dù đặc biệt trong trường hợp Myanmar, thay vì chi tiêu mạnh tay cho quân sự và tàn sát cộng đồng người Rohingya, chính phủ nên cung cấp nơi ở cho họ.
Nhưng nó không chỉ đơn giản là vấn đề xung đột "có thể bùng nổ," mà vấn đề ở đây là một sự phổ biến không thể chối cãi của việc chi tiêu cho vũ khí ở cấp quốc tế, điều đã được hợp pháp hóa một cách lặng lẽ, đã biện minh và bảo đảm cho việc mua bán vũ khí gây chết người.
Nhiều đến mức, một trường hợp như vậy thường được xác nhận và hợp lý hóa thành một "bối cảnh rộng lớn hơn" về sự cần thiết của việc sở hữu kho vũ khí lớn để đảm bảo sự ổn định. Đáng buồn là bối cảnh rộng lớn như vậy hiếm khi "đủ rộng" để đưa các quan điểm về nhân quyền và nhân đạo vào diễn biến của đời sống chính trị thế giới.
Các quốc gia Đông Nam Á đang lún sâu vào một cuộc chạy đua vũ trang không hồi kết vì sự sống còn của họ. Tóm lại, các cuộc thảo luận về an ninh và quốc phòng tập trung quá nhiều vào việc tăng cường vũ khí cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế mới của thời đại.
Các quốc gia Đông Nam Á nên đóng vai trò như một người thay đổi quy tắc bằng cách chuyển nguồn lực của họ từ chi tiêu quốc phòng lớn sang phát triển nguồn nhân lực.
Tiến bộ và phát triển trong nền kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ sẽ thành công theo những cách tốt hơn nhiều so với đầu tư nguồn lực quý giá vào cuộc chạy đua vũ trang./.