Tám năm trôi qua kể từ thời điểm tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers Holdings Inc đệ đơn xin bảo hộ phá sản làm thay đổi cục diện hệ thống ngân hàng.
Ngày 15/9/2008 đã trở thành thời điểm đáng nhớ trong lịch sử tài chính thế giới với vụ phá sản tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái kinh tế vào những năm 1930 của thế kỷ trước.
Những trục trặc phát sinh trong thị trường bất động sản khi giá nhà thực bắt đầu tăng mạnh vào cuối thập niên 1990 và được tiếp sức phần nào nhờ lãi suất thấp kể từ năm 2001.
Để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp tăng lãi suất từ 1% vào giữa năm 2004 lên 5,25% vào giữa năm 2006. Bong bóng nhà đất chịu thêm áp lực khi hoạt động cho vay "dưới chuẩn" tăng mạnh, trong khi các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản lại không quan tâm tới khả năng chi trả của khách.
Dư nợ trong mảng này đã nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ vào năm 2007. Ước tính đến cuối quý 3/2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với 1/3 các khoản này là nợ khó đòi.
Kể từ tháng 8/2007 đến hết tháng 8/2008, trên 770.000 căn nhà ở Mỹ bị ngân hàng siết nợ do các gia đình không đủ khả năng trả nợ tiền vay mua nhà. Cuộc khủng hoảng bất động sản khiến hàng trăm ngàn người mất việc làm, thị trường bất động sản chuyển sang đóng băng và sụt giảm.
Lựa chọn của Fed
Cơn bão tín dụng hoành hành khắp nước Mỹ đã khiến ngân hàng đầu tư Bear Stearns lớn thứ 5 Phố Wall bên bờ vực phá sản. Được thực hiện theo sự dàn xếp, JP Morgan Chase và Fed ngày 16/3/2008 đứng ra bảo lãnh cho những khoản nợ khổng lồ của Bear Stearns.
Cũng trong ngày 16/3, Fed còn bất ngờ ra quyết định cắt giảm lãi suất chiết khấu và cho phép 20 tổ chức tài chính có giao dịch trực tiếp trái phiếu Chính phủ Mỹ với Fed được vay vốn không hạn chế từ tổ chức này bằng cách sử dụng các loại trái phiếu khó bán làm tài sản cầm cố.
Trước đó hai ngày, Fed cũng đã lên một kế hoạch bơm vốn cho Bear Stearns thông qua JP Morgan Chase, đánh dấu lần đầu tiên Fed ra tay hỗ trợ một tổ chức tài chính không phải là ngân hàng thương mại kể từ những năm 1960.
Những biện pháp can thiệp trên của Fed được giới phân tích đánh giá là "hiếm" trong lịch sử của tổ chức này, thể hiện mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tín dụng mà nước Mỹ đang đối mặt.
Song không dừng ở đó, cơn địa chấn tài chính thực sự bùng nổ vào ngày 7/9/2008 khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae buộc phải được Chính phủ tiếp quản để tránh nguy cơ phá sản. Sự kiện này tiếp tục châm ngòi cho vụ đổ vỡ với những tên tuổi lớn khác.
Do khủng hoảng tài chính, ngân hàng đầu tư số một nước Mỹ, Merill Lynch cũng bị thâu tóm bởi Bank of America. Chính phủ đã buộc phải bơm 85 tỷ USD vào tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG để tránh cho thị trường tài chính nước này một kết cục tồi tệ hơn.
Vấn đề đặt ra là tại sao Fed cứu Bear Stearns bằng cách cung cấp gần 30 tỷ USD cho JP Morgan để mua Bear; cứu Freddie Mac và Fannie Mae bằng cách tiếp quản trực tiếp; cứu AIG bằng việc tung ra 85 tỷ USD để mua 80% cổ phần. Tuy nhiên, Fed đã không làm như vậy đối với Lehman Brothers, để BOA hoặc Barclays mua lại Lehman.
Thời điểm Lehman phá sản rất bất lợi vì Lehman và Bear có nhiều điểm tương đồng khi đều là ngân hàng đầu tư. Sau khi Bear bị mua lại, Chính phủ đã có dịch vụ cho vay chiết khấu dựa trên tài sản đảm bảo nhằm cung cấp vốn cho ngân hàng đầu tư gặp khó khăn thanh khoản. Tuy nhiên sự sụp đổ của Lehman Brothers lại không phải là "cái chết" do thanh khoản nên đặc ân này chưa có cơ hội sử dụng.
Thời điểm bất lợi
Trong những năm dẫn đến khủng hoảng, giá dầu leo thang kéo giá hàng hóa cơ bản và lương thực lên theo. Giá dầu đã gây sốc khi mở đầu năm 2008 bằng việc lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 100 USD/thùng - mốc giá chưa từng có kể từ khi mặt hàng này được đưa vào giao dịch kỳ hạn tại thị trường New York vào năm 1983.
Ngày 11/7/2008 giá dầu còn chạm mức lịch sử 147,27 USD mỗi thùng. Giá lương thực đắt đỏ lại tạo ra căng thẳng nghiêm trọng tại nhiều nơi, thậm chí ở cả các quốc gia xuất khẩu lương thực. Vấn nạn lạm phát từ đó cũng xảy ra tràn lan tại nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã mất 605.000 việc làm trong 8 tháng năm 2008, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2003. Trong ba tháng, tính tới cuối tháng Chín, đã có hơn 30.000 doanh nghiệp Mỹ phá sản, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu ra Tổng thống mới thay ông George W. Bush mà tỷ lệ ủng hộ của người dân tụt xuống mức rất thấp do khủng hoảng.
Thượng nghị sỹ Barack Obama (Đảng Dân chủ) ở thời điểm đó đã giành thắng lợi trên 27 bang, còn Thượng nghị sỹ John McCain (Đảng Cộng hòa) - đối thủ của ông Obama - chỉ giành thắng lợi ở 22 bang. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama kêu gọi toàn thể người dân Mỹ đoàn kết để giải quyết những thách thức lớn mà đất nước này đang phải đối mặt.
Sự mất giá của các tài sản nhà đất cũng sẽ đẩy tỷ lệ nợ trên tài sản sở hữu của người tiêu dùng Mỹ lên cao, bắt buộc họ phải thắt chặt hầu bao. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới phụ thuộc nặng vào sự tiêu dùng không bền vững của người dân Mỹ. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đồng loạt suy thoái lần đầu tiên kể từ Đại chiến Thế giới thứ hai, kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh.
Sự đổ vỡ dây chuyền trong ngành tài chính Mỹ ở thời kỳ đỉnh điểm giữa tháng 9/2008 đã lan qua Đại Tây Dương, tới châu Âu, và gây ra những cơn “dư chấn” ở châu Á. Sau nỗi hoảng sợ của cả thế giới là trạng thái đóng băng tín dụng gần như trên phạm vi toàn cầu. Các ngân hàng trước kia dễ dãi trong việc cho vay bao nhiêu, thì tới nay, họ lại dè dặt bấy nhiêu. Tình trạng đóng băng tín dụng - vốn là “nguồn nhựa sống” của nền kinh tế - trở thành mối đe dọa lớn nhất của kinh tế thế giới.
Là tâm điểm của khủng hoảng, nước Mỹ là nơi diễn ra nhiều vụ đổ vỡ nhất trong ngành tài chính-ngân hàng.
Lehman Brothers nguy kịch đúng lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng cùng Merrill Lynch, Washington Mutual và AIG. Nếu cứu tất cả, Chính phủ sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu, khuyến khích các tập đoàn tham gia thêm các hoạt động rủi ro. Chính phủ muốn khối tư nhân hiểu rằng cần phải tự giải quyết vấn đề của chính họ và cần phải có một sự hy sinh nào đó để thị trường hiểu được điều này.
Hơn nữa, thời điểm gần cuộc bầu cử ở Mỹ cũng rất nhạy cảm khi khủng hoảng tài chính trở thành đề tài tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Việc dùng tiền thuế của dân đi giải cứu các tập đoàn tài chính cần một lý do thuyết phục cao. Sự hy sinh lúc này có lẽ là điều cần thiết cho thị trường và cần phải lựa chọn để có chi phí thấp nhất cho xã hội.
Freddie Mac, Fannie Mae với tư cách là hai tập đoàn hoạt động được Chính phủ bảo lãnh nhằm cung cấp tín dụng bất động sản cho người dân, do đó hai tập đoàn này không thể chết. AIG là tập đoàn bảo hiểm lớn, cung cấp hàng triệu hợp đồng bảo hiểm cho người dân. Với số tài sản khổng lồ trên 1.000 tỷ USD, AIG có lẽ không phải là sự lựa chon. Thay vào đó,̀ sự lựa chọn tốt nhất của Chính phủ là ép khối tư nhân phải tự cứu Lehman hoặc để Lehman phá sản./.