Tại sao ông Putin muốn can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi quân đội Syria và đồng minh Iran là các lực lượng không có khả năng đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria nên phải can thiệp quân sự trực tiếp vào nước này.
Tại sao ông Putin muốn can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin vốn luôn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad (Nguồn: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin coi quân đội Syria và đồng minh Iran là các lực lượng không có khả năng đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Điều này buộc ông Putin phải trực tiếp can thiệp trong mấy tuần gần đây, thông qua việc thành lập một căn cứ không quân ở Syria và gửi tới những chiếc máy bay, xe tăng, và pháo.

Theo Washington Times, đây là thông tin nêu trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Mỹ.

Theo báo Mỹ, động thái mạnh nhưng đầy rủi ro này của ông Putin sẽ đẩy binh lính trên bộ tới chỗ đối đầu trực tiếp với IS. Điều này tương phản hẳn với chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi chỉ tiến hành không kích và thực hiện ít hoạt động quân sự tại Syria.

Các nhà phân tích tại tổ chức Congressional Research Service đã chuyển một bản đánh giá tới các nghị sĩ Mỹ trong ngày thứ Sáu tuần trước, nói rằng ông Putin đang giúp đỡ đồng minh, Tổng thống Syria Bashar Assad và bảo vệ sườn phía Nam của Nga ở khu vực Kavkaz, nơi các chiến binh Hồi giáo tập hợp và được triển khai đi khắp nơi.

"Các hoạt động gần đây của Nga ở Syria có thể xuất phát từ một đánh giá rằng quân đội Syria đang trở nên ít khả năng hơn và rằng sự hỗ trợ của Iran là không đủ để bảo vệ chính quyền Syria" - báo cáo viết, đánh giá rằng các mục tiêu chủ chốt của Moskva là duy trì khả năng tiếp cận của Hải quân Nga tới Syria, bảo vệ chính quyền Syria và thách thức chính sách của Mỹ ở Syria".

Báo cáo đánh giá lời kêu gọi gần đây của ông Putin, nói rằng cần dốc toàn lực chống IS, có thể hình thành từ việc một số lượng chiến binh cực đoan từ Bắc Kavkaz đang chiến đấu ở Syria. Những kẻ này sẽ gây vấn đề lớn khi trở lại Nga.

Sự thay đổi của Nga đã khiến chính quyền Obama phải vội vã điều chỉnh chính sách với Syria. Kế hoạch của Washington, nhằm đưa bộ binh vào Syria dưới dạng các tay súng phiến loạn Syria "ôn hòa" được Mỹ đào tạo, đã thất bại. Chỉ còn vài tay súng như thế đang ở lại Syria, sau khi nhiều đồng đội của họ bị giết.

Tuần trước, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, để đảm bảo rằng đôi bên hiểu được ý định của nhau.

Nga lâu nay luôn ủng hộ chính quyền Syria, vốn đã cho phép nước này sử dụng một căn cứ Hải quân, giúp Nga có thể gây ảnh hưởng lớn tới Trung Đông. Đồng thời Syria còn mang tới cho Nga con đường để duy trì quan hệ kinh tế và quân sự với Iran.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng việc Nga mang quân tới Syria không chỉ nhằm bảo vệ chính quyền Syria. Nhà phân tích James Russell, hiện là một giáo viên tại một Trường đào tạo sau đại học của Hải quân Mỹ, đánh giá ông Putin đang tìm cách thể hiện vị thế của mình.

Tại sao ông Putin muốn can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria ảnh 2Cuộc nội chiến ở Syria đã kéo dài suốt 4 năm qua, khiến quốc gia này trở nên kiệt quệ (Nguồn: AFP)

Theo Russell, Putin có thể đã nhìn ra một số lợi thế về chiến thuật và đang tác động để tạo ra cảm giác rằng Nga đã thành công, còn phương Tây thì thất bại. "Putin đang cố tạo ra cảm giác rằng Nga là một quốc gia có ảnh hưởng trên sân chơi toàn cầu" - Russell nói.

Ken Allard, một cựu sĩ quan tình báo lục quân, thì đánh giá việc Nga điều quân tới Syria giờ sẽ mang lại cho Nga "sự ảnh hưởng, vũ khí và quân đội để hỗ trợ một điểm chốt địa chính trị quan trọng, nằm kẹp giữa vùng Trung Đông và toàn bộ biên giới Tây Bắc của Israel"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.