"Tâm điểm mới" của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới

Liên hợp quốc hiện coi châu Phi là “khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi chủ nghĩa khủng bố” do sự hoành hành của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng al-Qaeda địa phương.
Các tay súng Boko Haram. (Nguồn: AFP)

Trong khi số lượng các vụ tấn công khủng bố đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, xu hướng này lại đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Phi.

Liên hợp quốc  hiện coi châu lục này là “khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi chủ nghĩa khủng bố” do sự hoành hành của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và các lực lượng al-Qaeda địa phương.

Cách đây 5 năm, nhóm nghiên cứu của “Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang” (ACLED) đã ghi nhận 381 vụ tấn công và 1.394 người chết tại khu vực châu Phi.

Đến năm 2020, các con số đó đã cao hơn rất nhiều, với 7.108 vụ tấn công và 12.509 người thiệt mạng. Chính sự phát triển của IS và các lực lượng al-Qaeda địa phương đã biến lục địa châu Phi thành tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố.

Với các mục tiêu tranh chấp tài nguyên, giành giật tín đồ và tranh giành ảnh hưởng thông qua truyền đạo, sự cạnh tranh giữa các nhóm khủng bố này đang làm gia tăng xung đột trong khu vực.

Tuy nhiên, đâu là các cuộc khủng hoảng chính? Các nhóm nào chiếm ưu thế? Và hậu quả đối với châu Âu là gì? Nhật báo Le Figaro (Pháp) số ra gần đây đã tổng hợp nên một bức tranh toàn cảnh về chủ nghĩa khủng bố ở lục địa Đen.

Nằm trên dải Sahel, Burkina Faso, Mali và Niger là những nước mà số nạn nhân thiệt mạng vì khủng bố đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2016. Tình trạng bạo lực này bắt nguồn từ các cuộc xung đột giữa Nhà nước Hồi giáo ở Đại sa mạc Sahara (EIGS), một nhánh của IS, và Nhóm ủng hộ đạo Hồi và người Hồi giáo (GSIM), cam kết trung thành với al-Qaeda.

Cũng trên dải Sahel, cuộc nội chiến ở Libya đã để lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Trong lúc đó, xung đột vũ trang của người Tuareg đã nổ ra ở miền Bắc Mali.

[Pháp tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Mali, Niger and Burkina Faso]

Các tổ chức như "Ansar Dine" và Phong trào thống nhất và thánh chiến ở Tây Phi (MUJAO) theo đó đã phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ tăng dân số cao nhất trên thế giới, sự đàn áp chính trị, thiếu triển vọng kinh tế và biến đổi khí hậu là cội nguồn cho tình trạng này.

Thêm vào đó, các tổ chức thánh chiến Salafi ở Saudi Arabia đã tài trợ cho hàng trăm nhà thờ Hồi giáo ở khu vực Sahel. Thông qua việc cung cấp các phúc lợi an sinh xã hội, các lãnh tụ Hồi giáo cực đoan thường nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân hơn so với chính phủ.

Trong lưu vực Chad, nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram (theo dòng Sunni Hồi giáo cực đoan) đã gây ra cái chết của hàng chục nghìn người ở Nigeria. Tuy nhiên, nhóm khủng bố này đã mất dần ảnh hưởng của mình và phe đối lập, Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP), hiện trở thành mối đe dọa chính ở phía Đông Bắc nước này. Chính tổ chức này đã ám sát thủ lĩnh Abubakar Shekau của Boko Haram.

Hoạt động bạo lực của ISWAP chủ yếu nhằm vào các mục tiêu quân sự và chính phủ. Điều này có thể khiến họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn so với thủ lĩnh Shekau, người đã không dung tha cho cả dân thường Hồi giáo.

Bạo lực mang màu sắc tôn giáo và dân tộc giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân cũng thường xuyên xảy ra ở Nigeria. Do luôn cảm thấy bị nhà nước bỏ rơi, các chiến binh thuộc nhóm dân tộc Kanouri đã nổi dậy tiến hành các cuộc khủng bố tương tự như các vụ do nhóm Boko Haram gây ra, khiến khu vực này luôn rơi vào tình trạng bất ổn.

Tại Nigeria, người dân miền Nam theo đạo Thiên chúa, còn người dân miền Bắc theo đạo Hồi. Miền Nam phát triển và thịnh vượng hơn nhờ sự thay đổi xã hội theo hướng cởi mở hơn.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, sự ổn định của nước này rất cần thiết vì đây là một trong những quốc gia quan trọng nhất ở châu Phi.

Với hơn 210 triệu dân, Nigeria là quốc gia đông dân nhất hiện nay trong khu vực và dự kiến dân số nước này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050.

Khu vực Đông Nam châu Phi, đặc biệt là Somalia, cũng là nơi các phiến quân hoành hành. Còn nhớ, cuộc tấn công lớn đầu tiên của al-Qaeda không nhằm vào Mỹ mà nhằm vào các đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya.

Hơn 230 người đã thiệt mạng khi đó. Đó là vào năm 1998, ba năm trước ngày 11/9/2001 đen tối. Mặc dù cuối cùng, khu vực này không trở thành căn cứ lâu dài, nhưng al-Qaeda vẫn hỗ trợ nhóm Al-Shabaab ở Somalia, lực lượng dân quân khủng bố lâu đời nhất được biết đến ở châu Phi. Lực lượng này đã đấu tranh trong 15 năm để thành lập một nhà nước thần quyền.

Không chỉ ở Somalia, nhóm Al-Shabaab còn đe dọa cả các nước như Kenya, Ethiopia và Uganda. Năm 2020, việc Mỹ ra lệnh rút 700 quân ra khỏi Somalia khiến Kenya lo ngại sự trỗi dậy của Al-Shabaab.

Ở Somalia, xung đột giữa IS và al-Qaeda đã nâng cao mức độ tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Hiện các nhóm khủng bố liên minh với IS cũng đang gây bất ổn cả ở một số khu vực của Mozambique và Congo.

Kiềm chế sư leo thang của chủ nghĩa khủng bố ở lục địa Đen là mối quan tâm rất lớn của châu Âu bởi châu Âu hiểu rằng về lâu dài, sẽ chỉ có thể chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Tây Phi bằng cách đưa ra các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng này.

Châu Âu đang dần nhận ra rằng họ có thể đạt được điều đó không chỉ dựa vào áp lực quân sự mà còn phải qua việc gia tăng áp lực chính trị ở khu vực này.

Ngay từ tháng 6/2021, "Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo", trong đó nhiều nước châu Âu là thành viên, đã thông báo một sự thay đổi chiến lược và cho rằng cần phải thận trọng hơn khi mạng lưới khủng bố đã mở rộng ở châu Phi.

Bên cạnh các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Pháp vẫn duy trì lực lượng chống khủng bố ở khu vực Sahel. Đức cũng đang cung cấp chuyên gia huấn luyện cho các binh sỹ ở Somalia cho đến năm 2018 và tiếp tục hỗ trợ tài chính cho một trong những phái bộ do EU điều động ở quốc gia này.

Ngay cả Nga cũng không che giấu tham vọng địa chính trị của Moskva ở Tây Phi khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã tuyên bố rằng chính quyền quân sự Mali đã ký hợp đồng thương mại với "một công ty quân sự tư nhân của Nga"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục