Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 1/2024, có 950 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã được ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý.
Con số này giảm 33% so với tháng 12/2023 và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo Chuyển đổi Số Quốc gia tháng 1/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số 3.193 hệ thống thông tin của cả nước, có 2.110 hệ thống đã được phê duyệt cấp độ bảo đảm an toàn thông tin, đạt 66%, tăng 1% so với tháng 12/2023 và tăng 10% so với cùng kỳ tháng 1/2023.
Số lượng cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 1/2024 giảm mạnh so với tháng cuối năm và tháng 1/2023 là tín hiệu đáng mừng.
Đây là kết quả bước đầu của các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng nhiều biện pháp tăng cường an toàn, an ninh bảo mật giai đoạn vừa qua, khi các đơn vị đầu tư nhiều hơn cho hệ thống giám sát, phát hiện và cảnh báo sự cố.
Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn thông tin cũng lưu ý cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, bởi lẽ giai đoạn cận Tết và trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn thì nhiều nhóm tấn công mạng thường gia tăng hoạt động.
Trước khi nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần rà soát, săn tìm, kiểm tra, xác định dấu hiệu bị tấn công trên những thiết bị máy chủ nhạy cảm, tiến hành gỡ bỏ mã độc (nếu có).
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên đánh giá toàn diện, kiểm thử tấn công xâm nhập hệ thống máy chủ, ứng dụng nhằm phát hiện lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống, ứng dụng.
Đồng thời, cần đánh giá mức độ rủi ro, ảnh hưởng của các lỗ hổng và tiến hành nâng cấp hệ thống, khắc phục lỗ hổng, giảm thiểu rủi ro bị khai thác./.