Tăng cường công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài

Đại đoàn kết đối với người Việt ở nước ngoài là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức.
Tăng cường công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, chủ trì Hội nghị.

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết 23-NQ/TW).

Vận động cộng đồng hướng về quê hương, đất nước

Khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết sau 20 năm kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được nâng cao, công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự tham gia mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương.

Trong bối cảnh tình hình mới, trước yêu cầu mới, từ góc độ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao thấy rằng cần thiết có Nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết 23-NQ/TW, đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Do đó, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đề xuất mục tiêu củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển, hội nhập thành công ở sở tại và hướng về quê hương đất nước, đóng góp phù hợp theo khả năng, thế mạnh cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Về quan điểm, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, trên cơ sở khoan dung, thông hiểu, hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia-dân tộc, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau.

[Một người Việt được vinh danh ở Hàn Quốc vì công tác thiện nguyện] 

Triển khai toàn diện và mạnh mẽ trên tất cả các mặt nội dung, phương thức và đối tượng của công tác người Việt Nam ở nước ngoài; thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào; linh hoạt trong triển khai chính sách trên cơ sở cân nhắc tính đặc thù của người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nêu rõ công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh thực hiện nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ: tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài, hỗ trợ và chăm lo đời sống kiều bào, đặc biệt tại các địa bàn khó khăn; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực hỗ trợ cộng đồng; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng, địa phương, cơ quan đảng đoàn Việt Nam ở nước ngoài và các cấp ủy ngoài nước trong việc quản lý, tuyên truyền, giáo dục người lao động, du học sinh... khi sang nước ngoài làm việc, học tập...

Đối với nhóm nhiệm vụ vận động, Thứ trưởng nêu rõ việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện và thu hút kiều bào về nước đóng góp; tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực của kiều bào; trong đó có nguồn lực kinh tế, nguồn lực tri thức, nguồn lực mềm như xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước...

Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó chú trọng việc duy trì và phát triển nội dung trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh trong công tác thông tin đối ngoại cho kiều bào, nhằm kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc...

Triển khai toàn diện công tác người Việt Nam ở nước ngoài

Trước đó, báo cáo đề dẫn về các kết quả đáng chú ý trong công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài sau 20 năm triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao khẳng định, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả quan trọng.

Tăng cường công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 2Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Ngô Trịnh Hà trình bày Báo cáo trung tâm của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao. Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, đồng thời đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương.

Theo đó, những bước phát triển nêu trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực triển khai tích cực của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đồng sức, đồng lòng của người dân, cả ở trong và ngoài nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW được thực hiện quyết liệt, kịp thời. Các cấp ủy, tổ chức đảng ở trong và ngoài nước đã tổ chức quán triệt nghị quyết trong toàn bộ cán bộ, đảng viên, đồng thời phổ biến rộng rãi tới đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài.

Tăng cường công tác đại đoàn kết với người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 3Nhiều ý kiến phát biểu về kết quả triển khai các chính sách pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Trên cơ sở Nghị quyết 23-NQ/TW và yêu cầu thực tiễn của công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng và kiến nghị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài được triển khai toàn diện. Công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đạt được những bước đột phá quan trọng. Nhiều hoạt động dành cho kiều bào được tổ chức cả ở trong và ngoài nước như “Xuân Quê hương,” Đoàn kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại Hè thanh niên, sinh viên kiều bào... thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, kể cả những người trước đây có định kiến.

Cùng với đó, công tác huy động nguồn lực kiều bào ngày càng được chú trọng; công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại được tăng cường. Việc giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông tin đối với kiều bào tiếp tục được đổi mới, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, công tác người Việt Nam ở nước ngoài còn một số hạn chế như việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến kiều bào còn bất cập, nhất là vấn đề quốc tịch và thu hút đầu tư, đãi ngộ chuyên gia, trí thức là kiều bào ở nước ngoài.

Việc phát huy nguồn lực của kiều bào chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cộng đồng, mới tập trung chủ yếu vào nguồn lực kinh tế, chưa chú trọng đến nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm.” Việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, quản lý đối tượng du học sinh, lao động xuất khẩu... còn bất cập.

Tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận về những vấn đề thực tiễn của quá trình thực hiện các nội dung của Nghị quyết 23-NQ/TW trong 20 năm vừa qua; đề xuất, kiến nghị để tăng cường công tác đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào gắn bó với quê hương; đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động kiều bào; phát huy nguồn lực kiều bào, nhất là nguồn lực “mềm” đóng góp cho sự phát triển của đất nước…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục