Một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2014 được Tổng cục Môi trường xác định, đó là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hành vi vi phạm.
Trong đó, Tổng cục đang tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội Khóa XIII xem xét, thông qua dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến vào Kỳ họp thứ 7 tới.
Những bất cập trong quản lý
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, được tổ chức ngày 2/1, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng năm 2013, Tổng cục Môi trường đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục đã phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Qua đó kiến nghị Bộ sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào nề nếp.
Việc phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xử lý các cơ sở vi phạm, được dư luận và xã hội đồng tình ủng hộ.
Cụ thể, về thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, Tổng cục đã hoàn thành kết luận thanh tra trách nhiệm về bảo vệ môi trường của 11 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Thừa Thiên-Huế, Gia Lai, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre, Lạng Sơn, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Tổng cục hoàn thành kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường từ năm 2010 đến năm 2012 của Bộ, đối với 6 địa phương thuộc các lưu vực sông, nhờ đó đã phát hiện một số bất cập trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng dự án đầu tư được các Bộ, ngành, địa phương cho phép triển khai bỏ qua quy định về đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được tăng cường, một số địa phương còn chưa quyết liệt, hoặc xử lý "nhẹ tay" đối với doanh nghiệp vi phạm.
Đặc biệt, công tác cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại tại các địa phương, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa được chặt chẽ. Việc giám sát sau cấp phép cũng chưa được tiến hành thường xuyên. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng nhập chất thải dưới danh nghĩa nhập khẩu phế liệu, hoặc nhiều cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài như các nhà máy sản xuất thép, giấy phế liệu...
Đồng thời, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải công nghiệp, chất thải rắn và khai thác khoáng sản thu được rất ít, không tương ứng với tình trạng ô nhiễm hiện nay.
Việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường của một số tỉnh chưa đúng quy định, một số địa phương còn sử dụng kinh phí không đúng nội dung chi, phân bổ thấp hơn 1% chi ngân sách như quy định.
Xử phạt nhiều vi phạm vẫn lắm
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận xét tuy đã có nhiều nỗ lực lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã phát hiện và đề nghị xử lý vẫn còn “quá nhỏ” so với thực tế.
Tổng cục Môi trường nên tham mưu cho Bộ để phân định rõ chức năng, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số Bộ, ngành, nhất là trên lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý chất thải; quản lý chất lượng không khí, quản lý phát thải hóa chất hay phế liệu.
Riêng trong năm 2014, Tổng cục phải kiên quyết đề nghị đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, nếu như các cơ sở này vẫn chưa khắc phục được triệt để.
“Chúng ta không hy sinh môi trường cho sự phát triển kinh tế bằng mọi giá như trước đây. Trong đó việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo rà soát đưa ra khỏi quy hoạch đối với 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là một minh chứng cụ thể nhất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong năm 2013, Tổng cục đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra đối với 636 cơ sở thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, cảng biển, sản xuất giấy, hóa chất, quản lý chất thải nguy hại và trên các lưu vực sông thuộc địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đã xử lý và đề nghị xử lý đối với 335 cơ sở vi phạm, với số tiền lên đến 46.680 triệu đồng.
Tuy tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm về các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận; nhóm hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại.
Các đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường cũng đã phát hiện nhiều cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp xả hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đó là Công ty cổ phần Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An thuộc Tổng Công ty Việt Thắng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Cơ khí và Dịch vụ Đại Phúc xả thải chưa qua xử lý trực tiếp ra ngoài môi trường; Công ty Cổ phần giấy An Hòa xả 1.500m3 nước thải chưa qua xử lý ra sông Lô.
Những vụ vi phạm điển hình nữa là việc chôn lấp hàng trăm tấn chất thải nguy hại không đúng quy định của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ. Vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn New Toyo Pulppy tại Bình Dương xả nước thải chưa được xử lý vào cống thoát mưa của Khu công nghiệp VISP I.
Do đó, cùng với việc thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Môi trường sẽ thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định, nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường./.