Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng không khí đô thị

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, ô nhiễm không khí ở các đô thị có chiều hướng gia tăng, là thách thức lớn với cộng đồng nên cần phải tăng cường quản lý và kiểm soát nguồn khí thải.
Khu vực quận Hà Đông, Hà Nội vẫn đang bị sương mù bao phủ, tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo Báo cáo của Liên hợp quốc, trung bình mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 5.000 tỷ USD.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, ô nhiễm không khí ở các đô thị đang có chiều hướng gia tăng, là một thách thức lớn đối với cộng đồng.

Vì vậy cần phải tăng cường quản lý và kiểm soát các nguồn khí thải để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.

Đánh giá chất lượng không khí căn cứ vào số liệu quan trắc thực tế

Theo bà Mạc Thị Minh Trà, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc-Tổng cục Môi trường, căn cứ để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở các đô thị cần phải so sánh số liệu quan trắc môi trường không khí thực tế, trị số tiêu chuẩn môi trường cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 05:2013/BTNMT, đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI).

Cụ thể là khi chỉ số AQI=101÷200 (tương ứng với chất lượng không khí ở mức kém và xấu); AQI=201÷300 (mức rất xấu); AQI=301÷500 (mức nguy hại).

Căn cứ vào các số liệu quan trắc bụi mịn PM10 và PM2.5 của 6 trạm quan trắc không khí tự động ở Hà Nội, Hạ Long, Việt Trì, Huế, Đà Nẵng và Nha Trang từ năm 2019 đến nay, ô nhiễm bụi vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm. Ô nhiễm bụi lơ lửng (TSP) do hoạt động xây dựng là nguồn chủ yếu gây ra ô nhiễm loại bụi này.

Trong mấy năm gần đây, nồng độ TSP ở các trạm đo trên đường Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Vĩnh Tuy, Mai Động... ở khu vực Hà Nội vẫn ở mức ô nhiễm nặng và rất nặng.

Sự biến thiên nồng độ bụi trong năm ở các đô thị miền Bắc rất rõ rệt (từ tháng 10 đến tháng Tư năm sau, nồng độ bụi lớn hơn các tháng Năm đến tháng Chín).

Ngược lại, ở các thành phố duyên hải miền Trung, nồng độ bụi biến thiên theo mùa không rõ rệt. Các đô thị ở vùng ven biển đều có chất lượng môi trường không khí tốt hơn so với các đô thị ở trong đất liền xa biển.

Đối với các khu đô thị ở phía Nam, khí hậu trong năm có sự phân hóa giữa mùa khô và mùa mưa. Nồng độ các loại bụi PM10, PM2,5 có sự khác biệt đáng kể giữa hai mùa, mùa mưa (tháng Năm đến tháng 11) và mùa khô (tháng 12 đến tháng Tư năm sau), nồng độ bụi đô thị thường cao trong mùa khô và thấp trong mùa mưa.

[Ô nhiễm không khí làm giảm đáng kể tuổi thọ của con người]

Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 24/2 vừa qua tại các đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỷ lệ khá cao.

Tại Hà Nội chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), có 9 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.

Tại các đô thị khu vực miền Trung, chất lượng không khí phổ biến ở mức tốt và trung bình. Thành phố Hồ Chí Minh có số ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 30%, ở mức trung bình chiếm 64% và ở mức kém chiếm 6%

Ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí NO2, CO và VOC chủ yếu từ hoạt động giao thông, khí SO2 phát thải từ đốt than và dầu chứa lưu huỳnh (xe buýt, sản xuất công nghiệp (nếu có) và đun nấu bằng than tổ ong).

Nồng độ khí NO2 trong không khí tại một số đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây cũng đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Còn nhiều đô thị đều có nồng độ các khí NO2 thấp hơn hoặc xấp xỉ trị số tiêu chuẩn cho phép.

Tại các đô thị có hoạt động giao thông với tần suất cao, nguồn phát thải của hợp chất hữu cơ có thể từ khí thải của hệ thống giao thông vận tải.

Một số địa phương như Hà Nội, Đồng Nai, nồng độ VOC trong không khí quan trắc được ở một số vị trí trong giai đoạn 2011-2015 đã vượt trị số quy chuẩn cho phép. Còn nồng độ khí SO2, CO ở hầu hết các đô thị vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Năm 2019, ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khác thường so với các năm trước, ô nhiễm cục bộ tăng lên. Riêng trong tháng 9/2019, ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tăng cao do ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua.

Trong tháng này cũng xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi lơ lửng, không thoát được lên cao. Bên cạnh đó, thời điểm này vào vụ thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành đã ảnh hưởng đến không khí nội đô.

Toàn bộ khu vực nội thành Hà Nội xuất hiện sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế. (Ảnh: Thanh Tùng/TXVN)

Ngoài ra, tùy theo vị trí đặt trạm đo khác nhau sẽ cho kết quả chỉ số không khí khác nhau. Điểm nào ùn tắc giao thông, mật độ xây dựng công trình cao, có chỉ số ô nhiễm không khí cao hơn nơi khác. Do đó, chất lượng không khí trên địa bàn của thành phố còn phụ thuộc vào mật độ phân bố các trạm quan trắc đo lường.

Các nguồn thải và những giải pháp cải thiện

Nhằm hạn chế sự gia tăng ô nhiễm không khí, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 985a phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, đề ra mục tiêu tổng quát hướng tới tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí, thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát chất lượng không khí xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Tiếp đó là Nghị định số 38/2015 ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019 ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019, yêu cầu các chủ nguồn thải, khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát…

Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng: Để đưa ra các biện pháp thực hiện phòng chống ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí đô thị có hiệu quả, trước tiên cần phải xác định chính xác các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường đô thị.

Theo nghiên cứu đô thị Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn, có 8 nguồn ô nhiễm chủ yếu. Đó là các chất ô nhiễm thải ra từ các ống xả của các phương tiện giao thông cơ giới, đặc biệt từ các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên và các xe chạy dầu.

Phát thải từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.

Vệ sinh đường phố kém là nguồn phát sinh bụi lơ lửng (TSP) và một phần bụi mịn (PM10, PM2.5). Phát thải từ các bếp đun than tổ ong chủ yếu là các chất ô nhiễmSO2, NO2, CO và bụi TSP. Rò rỉ và bốc hơi khí xăng dầu và các khí VOC từ các trạm bán xăng dầu, từ các xe cộ cơ giới, từ các nơi sản xuất chế biến sơn, vecny và từ các nơi quét sơn, vecny...

Mùi hôi bốc lên từ cống rãnh, ao hồ, sông ngòi bị ô nhiễm môi trường nước. Hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch lúa.

Theo đó, Giáo sư-Tiến sỹ Khoa học Phạm Ngọc Đăng đề xuất một số giải pháp để cải thiện chất lượng không khí đô thị hiện nay.

Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, mọi người dân, mọi cơ sở sản xuất, mọi tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường không khí nói riêng và bảo vệ môi trường đô thị nói chung.

[Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm]

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn ô nhiễm do giao thông vận tải. Giải pháp trước mắt là cần kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Tiến hành định kỳ kiểm tra theo quy định của quy chuẩn môi trường về khí thải đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới (các loại xe ôtô, đặc biệt là các loại xe buýt, xe tải, xe ôtô chạy dầu, và các loại mô tô, xe máy).

Cấm lưu hành đối với tất cả các xe không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (bao gồm cả về rò rỉ hơi xăng dầu). Tiến hành phun nước rửa đường vào các ngày trời nắng hanh khô.

Giải pháp lâu dài là hoàn thiện quy hoạch chung đô thị hợp lý, đặc biệt là quy hoạch giao thông đô thị thông minh; phát triển hệ thống giao thông đô thị công cộng, như là các dạng xe buýt, metro, đường xe điện trên cao...; khuyến khích hình thành các khu phố đi bộ, xe đạp; các loại xe cơ giới chạy bằng khí gas, khí hóa lỏng và xe chạy điện...

Tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa các công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, cấp điện, cấp gas, hệ thống cáp thông tin...).

Áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm, như không sản xuất bêtông tươi tại công trường mà sản xuất bêtông tươi tại các trạm sản xuất bê tông tươi rồi chở đến công trường bơm lên sàn, cột công trình.

Tăng cường năng lực cơ quan quản lý môi trường không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và ở các thành phố lớn khác.

Như thành lập phòng quản lý môi trường không khí ở Chi cục bảo vệ môi trường, bổ sung cán bộ chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành môi trường không khí cho Chi cục này, cũng như các phòng quản lý môi trường ở các quận/huyện.

Tổ chức các lớp bổ túc kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn về quản lý môi trường không khí, cho các cán bộ đương chức trong hệ thống quản lý môi trường các cấp của các đô thị lớn.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải bụi phát sinh từ vận chuyển nguyên vật liệu rời, nhất là vận chuyển về ban đêm vì thường vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Các hộ kinh doanh cần sớm thay thế bếp than tổ ong bằng bếp từ, bếp điện nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Vệ sinh đường phố sạch sẽ, văn minh, hiện đại. Quét dọn đường xá, vỉa hè, thường xuyên bảo đảm đường xá được hút bụi hoặc rửa đường. Thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý đúng kỹ thuật vệ sinh 100% rác thải của đô thị.

Giáo dục nhân dân giữ gìn vệ sinh đường phố, không vứt rác ra đường hoặc vứt rác ra cống rãnh, kênh mương thoát nước.

Cùng với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chất hữu cơ bay hơi (VOC), hơi xăng dầu đối với các trạm mua bán xăng dầu, các cơ sở sản xuất, chế biến và sử dụng sơn, vecny, xăng dầu nằm trong đô thị; xử lý triệt để các sông, hồ, ao, cống rãnh bị ô nhiễm nước; áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp ở bên trong và xung quanh thành phố.

Các thành phố cần áp dụng các chính sách khuyến khích ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị, cùng với áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cần thiết để nông dân ngoại thành chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

Tăng diện tích trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trong, bảo đảm chỉ tiêu diện tích cây xanh trên đầu người dân đạt trị số quy định theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Mặt khác, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí, đặc biệt là hệ thống quan trắc không khí tự động cố định ở các đô thị.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh trước đây có 9-11 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 100%.

Ở Hà Nội trước đây có 6 trạm quan trắc không khí tự động, nay đã bị hỏng 5 trạm tự động. Hiện đã bổ sung, thay thế bằng các trạm quan trắc cảm biến.

Ngoài việc sửa chữa, nâng cấp, cần tăng dày các trạm quan trắc không khí ở 2 thành phố này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục