Xử lý cơ sở tái chế giấy gây ô nhiễm, xả thải thẳng ra môi trường

Một xưởng sản xuất, tái chế giấy tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông ngang nhiên xả toàn bộ chất thải độc hại ra cánh đồng, nơi hàng chục hộ dân đào ao nuôi cá, lấy nước tưới tiêu.
Xử lý cơ sở tái chế giấy gây ô nhiễm, xả thải thẳng ra môi trường ảnh 1Công nhân tẩy rửa nguyên liệu sản xuất giấy bằng hóa chất độc hại. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Sau khi sản xuất, tái chế giấy bằng một quy trình bẩn, độc hại, một xưởng sản xuất tại xã Đắk Ha, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông ngang nhiên xả toàn bộ chất thải độc hại ra môi trường.

Đáng chú ý hơn, khu vực bị xả thải là cánh đồng, nơi hàng chục hộ dân đào ao nuôi cá, lấy nước tưới tiêu và cả phục vụ sinh hoạt.

Ngày 29/2, theo chân một số hộ dân tại thôn 7, xã Đắk Ha, chúng tôi chứng kiến việc xả nước thải độc hại, hôi thối tại xưởng sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Huy Hùng Đắk Nông (trụ sở tại xã Đắk Ha) ra cánh đồng thôn 7 của xã.

[Đắk Nông: Xử phạt hai cơ sở chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường]

Từ vị trí cách hiện trường hơn 1km, mùi hôi thối nồng nặc của nước thải kèm theo mùi hắc của hóa chất vẫn làm nhiều người khó chịu.

Chị Nguyễn Thị Đào, cán bộ Mặt trận thôn 7, xã Đắk Ha, cho biết tình trạng ô nhiễm kéo dài đã nhiều năm nay.

Khoảng 10 ngày nay, mùi hôi thối tăng đột biến, sau khi chủ cơ sở tiến hành nạo vét, san lấp khu vực cánh đồng phía bên dưới nhà máy. Toàn bộ nước thải từ quá trình sản xuất của cơ sở được xả thẳng ra cánh đồng.

Đầu tiên là mùi hôi thối nồng nặc, xen lẫn mùi khét, hắc của hóa chất. Nước thải đen kịt hòa lẫn vào nước suối khiến tôm, cá chết sạch. Các hộ dân đào ao dọc theo con suối phải chặn dòng nước lại để tránh ô nhiễm. Do nước quá bẩn, các hộ dân không dám bơm lên để tưới cà phê, tiêu dù đang vào cao điểm khô hạn.

Bà Nguyễn Thị Tám, sống tại thôn 7, cho biết trước đây, cơ sở chỉ xả thải vào thứ Bảy, Chủ nhật với số lượng ít, người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Gần đây, việc xả thải  diễn ra liên tục, bất kể ngày đêm. Nguồn nước ô nhiễm khiến người dân ở đây rất lo lắng, từ việc nuôi cá, tưới tiêu cho đến lấy nước cho sinh hoạt hàng ngày.

Theo một số hộ dân, tình trạng xả thải ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 50 hộ dân tại thôn 7, xã Đắk Ha.

Trực tiếp vào bên trong xưởng sản xuất của Công ty Long Huy Hùng Đắk Nông, chúng tôi chứng kiến một quy trình sản xuất, tái chế giấy rất độc hại.

Nguyên liệu đầu vào là giấy bìa, giấy phế liệu và các loại cây tre, nứa. Các loại nguyên liệu này được tẩy rửa, xử lý bằng xút vảy (nhãn trên bao bì Caustic Soda Flakes) và một số loại hóa chất khác. Sau nhiều công đoạn, toàn bộ chất thải, nước thải được thu gom về bể chứa và… xả thẳng ra môi trường.

Một số công nhân cho biết họ được giao nhiệm vụ sản xuất giấy để làm vàng mã, sản phẩm chủ yếu được xuất ra nước ngoài. “Quy trình công nghệ” do ông chủ hướng dẫn, các công nhân chỉ làm theo từng công đoạn đã được phân công.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ha Hoàng Văn Đồng, nhận được phản ảnh của người dân, ngày 27/2, Đoàn liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân huyện Đắk G’Long và Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ha đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản và tiến hành lấy mẫu nước thải đầu vào, đầu ra khu vực bể lắng để phân tích, xử lý theo quy định.

Xử lý cơ sở tái chế giấy gây ô nhiễm, xả thải thẳng ra môi trường ảnh 2Hồ chứa nước thải trước khi xả thẳng ra môi trường. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Cũng theo ông Hoàng Văn Đồng, đại diện công ty, cho biết công ty chỉ sản xuất giấy cho hết lượng nguyên liệu đang tồn kho và sẽ bàn giao nhà xưởng cho đối tác vào ngày 20/3.

Công ty này trước đây chủ yếu sản xuất, chế biến đũa, gần đây chuyển sang làm giấy.

Tại buổi làm việc, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty ngừng mọi hoạt động, ngừng xả thải ra môi trường.

Về thông tin công ty vẫn hoạt động sản xuất, xả thải sau khi bị kiểm tra, lập biên bản, ông Hoàng Văn Đồng cho biết sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, tháng 9/2016, Công ty Long Huy Hùng Đắk Nông đã bị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông xử phạt hành chính hơn 440 triệu đồng do xả nước thải độc hại ra môi trường, nhiều chỉ số vượt hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Công ty phải xây lắp công trình xử lý môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật theo đúng nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục